Thời sự
Cập nhật lúc 04:49 14/05/2025 (GMT+7)
Hải Phòng kỳ vọng phát triển gì từ cơ chế, chính sách đặc thù?

Việc Chính phủ đề xuất với Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng được nhiều người quan tâm.

Hải Phòng kỳ vọng phát triển gì từ cơ chế, chính sách đặc thù?
Ông Nguyễn Ngọc Tú - Giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng. Ảnh: Đàm Thanh

Ngày 13.5, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng. Thông tin này được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những người dân tại Hải Phòng.

PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tú – Giám đốc Sở Tài chính TP Hải Phòng về những vấn đề liên quan đến cơ chế đặc thù này.

- PV: Xin ông cho biết, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết mới về cơ chế đặc thù cho TP Hải Phòng thay thế nghị quyết 35/2021/QH15 có những điểm gì mới ?

- Ông Nguyễn Ngọc Tú: Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nghị quyết đã góp phần bổ sung nguồn lực quan trọng để phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để Hải Phòng chủ động giải quyết một số thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng; đồng thời triển khai cơ chế tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), qua đó tạo động lực, khí thế thi đua thực hiện nhiệm vụ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu cạnh tranh ngày càng gay gắt, Hải Phòng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026–2030, Thành phố cần có một khuôn khổ chính sách mới mang tính vượt trội, đột phá, có sức cạnh tranh quốc tế cao nhằm khơi thông các điểm nghẽn và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có. Chính vì vậy, dự thảo Nghị quyết lần này được xây dựng với những điểm mới nổi bật về cả tư duy tiếp cận và nội dung chính sách.

Cảng Tân Vũ thuộc Cảng Hải Phòng. Ảnh: Minh Hùng
Cảng Tân Vũ thuộc Cảng Hải Phòng. Ảnh: Minh Hùng

Trước hết, điểm mới quan trọng nhất là việc thiết kế đồng thời hai nhóm chính sách: nhóm cơ chế chính sách áp dụng chung cho toàn Thành phố (24 chính sách), và nhóm chính sách chỉ áp dụng riêng cho khu thương mại tự do (khu TMTD) - 17 chính sách. Đây là dấu mốc cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách tiếp cận chính sách theo hướng “đặt hàng” thể chế theo nhu cầu thực tiễn, mở rộng phạm vi thử nghiệm các mô hình phát triển mới phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính, đầu tư, logistics, đổi mới sáng tạo.

Điểm mới thứ hai là phạm vi và mức độ phân quyền, phân cấp mạnh mẽ hơn so với Nghị quyết 35, đi kèm với các cơ chế kiểm tra, giám sát, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước nhưng vẫn tạo không gian chủ động, linh hoạt cho chính quyền thành phố. Các chính sách cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình trong các lĩnh vực như đất đai, đầu tư, xây dựng được thiết kế để rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí không chính thức, nâng cao năng suất và chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, Nghị quyết mới lần này đặt trọng tâm vào ba trụ cột phát triển chiến lược của Thành phố gồm: (1) thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với 8 chính sách riêng biệt tạo lập hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện; (2) phát triển mô hình khu TMTD theo chuẩn mực quốc tế, với mức độ tự do hóa và độ mở chính sách cao; (3) đảm bảo an sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực, thông qua cơ chế tiền lương và bán nhà ở chung cư thuộc tài sản công do Thành phố xây dựng từ ngân sách nhà nước hoặc theo hình thức hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao). Đây là những nội dung hoàn toàn mới, thể hiện khát vọng và tầm nhìn phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp – dịch vụ – đổi mới sáng tạo hàng đầu quốc gia, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

Các chính sách tại Khu TMTD là điểm nhấn khác biệt và mang tính đột phá, như cho phép áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt, sử dụng ngoại tệ,... là những chính sách tiệm cận với thông lệ quốc tế. Cách thức quản lý khu TMTD được xây dựng trên nguyên tắc “một khai báo, một kiểm tra, một phê duyệt” nhằm tối ưu hóa môi trường đầu tư, sẽ tạo ra một mô hình tăng trưởng hoàn toàn mới, đóng vai trò là “cực tăng trưởng” tiên phong của Thành phố; thu hút mạnh mẽ các tập đoàn logistics, công nghệ cao... tạo tác động lan tỏa động lực phát triển ra toàn Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; từ đó, góp phần nâng cao vị thế của Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung trên bản đồ quốc tế.

Ngoài ra, điểm đặc biệt của Nghị quyết mới là được xây dựng đồng bộ với lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và định hướng phát triển không gian mới sau hợp nhất Hải Dương và Hải Phòng, tạo tiền đề thể chế quan trọng để hình thành một trung tâm kinh tế tổng hợp tầm quốc gia, có sức lan tỏa và dẫn dắt vùng đồng bằng sông Hồng.

PV: Những chính sách về cơ chế đặc thù này dự kiến sẽ tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của Hải Phòng ra sao? Thành phố kỳ vọng gì từ Nghị quyết mới này, để có thể tác động, đưa thành phố phát triển ?

- Ông Nguyễn Ngọc Tú: Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 35 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng được kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động sâu rộng, toàn diện đến tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Trước hết, về mặt kinh tế, các chính sách đột phá, đặc biệt là việc xây dựng và vận hành Khu TMTD sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế mới với mức độ tự do hóa cao, thể chế linh hoạt, ưu đãi vượt trội, từ đó thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư chiến lược, nhất là dòng vốn FDI thế hệ mới vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao như công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính, logistics và đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để Hải Phòng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc tế, đồng thời đóng vai trò trung tâm động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Song song với đó, các chính sách cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân quyền, phân cấp từ Trung ương cho Hải Phòng sẽ nâng cao tính chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành, từ đó rút ngắn quy trình xử lý công việc, giảm chi phí, giúp môi trường đầu tư, kinh doanh tại Hải Phòng trở nên thông thoáng, minh bạch, hiệu quả hơn, góp phần thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, phát triển lâu dài.

Các cơ chế, chính sách tại dự thảo Nghị quyết mới lần này được kỳ vọng là một nền tảng thể chế vượt trội, mang tính đột phá, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển Thành phố toàn diện và bền vững trong giai đoạn tới; giúp giải quyết căn cơ những “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách hiện hành, đặc biệt là những lĩnh vực mang tính chất điều phối vĩ mô như đầu tư, tài chính – ngân sách, đất đai.

Công ty CP Cảng Hải Phòng vừa đưa cầu cảng số 3, 4 tại Lạch Huyện vào hoạt động. Ảnh: Mai Chi
Công ty CP Cảng Hải Phòng vừa đưa cầu cảng số 3, 4 tại cảng nước sâu Lạch Huyện vào hoạt động. Ảnh: Mai Chi

Về mặt xã hội, các chính sách mới thể hiện rõ tinh thần lấy con người làm trung tâm của quá trình phát triển thông qua việc tiếp tục thực hiện chính sách cải cách tiền lương, tạo động lực thực chất cho đội ngũ CBCCVC yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, thu hút được nhân tài, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân. Đồng thời, chính sách bán nhà ở chung cư thuộc tài sản công do Thành phố xây dựng từ ngân sách nhà nước hoặc theo hình thức hợp đồng BT sẽ góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở cho người thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội bền vững, củng cố sự ổn định và gắn bó lâu dài của người dân với Thành phố.

Bên cạnh đó, nhóm chính sách thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ góp phần hình thành, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, tạo nền tảng cho Hải Phòng trở thành “Trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển” theo định hướng của Bộ Chính trị đã xác định tại Nghị quyết số 45.

Quan trọng hơn, việc ban hành Nghị quyết mới sẽ tạo tiền đề thể chế quan trọng chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, trong đó có lộ trình hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh giữa Hải Phòng và Hải Dương, mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng liên kết vùng, hình thành một trung tâm kinh tế tổng hợp tầm quốc gia. Những tác động tích cực của các cơ chế, chính sách này sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi địa phương, mà còn lan tỏa, đóng góp vào quá trình phát triển chung của vùng và cả nước.

Do đó, Nghị quyết mới là sự kết tinh giữa tầm nhìn chiến lược, khát vọng vươn lên của Thành phố và sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương. TP Hải Phòng kỳ vọng Nghị quyết không chỉ là một công cụ thể chế đơn thuần, mà sẽ là “chìa khóa” quan trọng mở ra một giai đoạn phát triển bứt phá, bền vững, để Hải Phòng thực sự trở thành “trung tâm quốc tế, đô thị dẫn dắt, thành phố kiểu mẫu” trong tiến trình phát triển đất nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông !

https://laodong.vn/thoi-su/hai-phong-ky-vong-phat-trien-gi-tu-co-che-chinh-sach-dac-thu-1506481.ldo

Mai Chi (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: