Khu bảo tồn ở Kiên Giang thu hút loài chim trong sách đỏ
Kiên Giang - Hơn 50 con sếu đầu đỏ về Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ (huyện Giang Thành) tìm kiếm thức ăn sớm hơn năm trước.
Đàn sếu đầu đỏ bay về kiếm ăn ở Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ tháng 3.2025. Ảnh: Khu bảo tồn
Ông Lâm Hồng Tuấn - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ (huyện Giang Thành, Kiên Giang) cho hay, từ 11.3 tới nay đã ghi nhận khoảng 54 con sếu đầu đỏ bay về tìm kiếm thức ăn và thậm chí là trú ngụ lại qua đêm. Đây là điều rất vui vì loài sếu đầu đỏ là loài rất quý hiếm trong sách đỏ được bảo tồn, số lượng còn lại hiện rất ít nhưng chúng bay đến đây chứng tỏ nơi này được xem là ngôi nhà an toàn và nhiều thức ăn cho sếu.
Ông Tuấn cho biết, khu bảo tồn có hệ sinh thái đặc trưng, đặc biệt tại vùng lõi thì người dân đã phát hiện sếu đầu đỏ về sớm hơn mọi năm. Từ khoảng tháng 2.2025, đàn sếu đầu đỏ đã về bay lượn, những năm trước đây sếu về độ tháng 3.
Sếu đầu đỏ cũng thường dò bãi ăn trước rồi sẽ bay về ăn sau khi chúng cảm thấy an toàn và nguồn thức ăn đảm bảo.
Thức ăn khoái khẩu của sếu đầu đỏ là củ năn, ngoài ra còn bắt cá, ốc, chuột… trên đồng nên chúng đáp xuống đồng lúa của người dân chuẩn bị thu hoạch. Khu bảo tồn là đất ngập nước, nhiễm phèn, giàu hữu cơ nên năn kim phát triển nhiều thành những đồng năn xen lẫn hệ sinh thái tràm, cỏ bàng rộng thích hợp cho sếu.
Năm 2017 - 2018, khu bảo tồn ghi nhận 108 con sếu đầu đỏ bay về, năm 2019 khoảng 100 con về. Các năm 2020 - 2022, do khu bảo tồn bị xâm lấn, hệ sinh thái mất cân bằng, không ổn định nên sếu không về, có lúc thấy có sếu bay ngang nhưng không đáp xuống ăn. Sau đó địa phương xử lý dứt điểm người dân xâm chiếm khu bảo tồn và làm đê bao bảo vệ hệ sinh thái tràm - cỏ bàng - năn, vùng lõi không cho người dân vào nên sếu đầu đỏ lại về nhiều.
Sếu sống ở thiên nhiên tuổi thọ khoảng 40 năm, đạt 7 - 8kg/con, cao khoảng 1,7m. Sếu là loài thông minh, cảm nhận được độ an toàn.
Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ rộng khoảng 2.700ha, trong đó vùng lõi 1.066ha, vùng đệm 1.644ha. Hiện Khu bảo tồn Phú Mỹ được địa phương đầu tư bài bản, đào hệ thống đê bao lớn để bảo vệ hệ sinh thái và hạn chế dân địa phương vào khai thác cỏ bàng, thả trâu gây xáo trộn môi trường.
Theo ông Lâm Hồng Tuấn, hiện tại, nguồn lực ban quản lý khu bảo tồn còn hạn chế nhưng rất quyết liệt quản lý, tuần tra và trực tháp canh quan sát kịp thời người lạ vào khu bảo tồn. Đối với vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt vì sếu đầu đỏ về kiếm ăn nhiều. Đơn vị đã tuyên truyền với người dân không vào cắt cỏ bàng hay thả trâu... để bảo vệ hệ sinh thái, môi trường tự nhiên ổn định, an toàn.
https://laodong.vn/xa-hoi/khu-bao-ton-o-kien-giang-thu-hut-loai-chim-trong-sach-do-1481861.ldo
NGUYÊN ANH (BÁO LAO ĐỘNG)