Thời sự
Cập nhật lúc 04:54 14/05/2025 (GMT+7)
Kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm khi để hàng giả buôn bán tràn lan trên mạng

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm khi để hàng giả buôn bán tràn lan trên mạng
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả những tháng đầu năm 2025. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sáng 14.5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.

Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đạt kết quả nhất định, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, thị trường, kiểm soát hàng hóa, bảo vệ sức khoẻ người dân, bảo đảm an ninh, trật tự.

Tuy nhiên, gần đây nhiều vụ án nghiêm trọng được khám phá như vụ sữa giả ở Hà Nội, thuốc giả ở Thanh Hóa, thực phẩm giả ở Phú Thọ, thực phẩm chức năng giả ở Hà Nội, hàng giả tại TPHCM; hàng giả buôn bán tràn lan trên mạng xã hội; tình trạng thao túng, găm hàng, đội giá… tác động, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội.

Nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng và thẳng thắn cho rằng do có sự buông lỏng của một số cơ quan và một số địa phương liên quan, Thủ tướng Chính phủ đặt câu hỏi phải chăng do thiếu tinh thần trách nhiệm; chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, đồng thời đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các cơ quan, các địa phương, lực lượng chức năng để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389, năm 2025, tình hình vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ… tiếp tục diễn ra trên hầu hết các tỉnh, thành phố; buôn bán công khai trên mạng xã hội.

Qua đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm.

Trong đó có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.897 tỉ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.

Tuy nhiên, tình trạng hàng nhập lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp; trong nội địa, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn hoạt động công khai ở nhiều nơi.

Tình trạng mua bán trái phép hóa đơn, gian lận thuế và lợi dụng điều kiện thuận lợi, thông thoáng trong chính sách nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

https://laodong.vn/thoi-su/kiem-diem-nghiem-khac-lam-ro-trach-nhiem-khi-de-hang-gia-buon-ban-tran-lan-tren-mang-1506566.ldo

ANH HUY (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: