Người dân đối thoại với chính quyền qua mạng xã hội, sự đột phá trong quản trị địa phương
Tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Bộ Nội vụ đề xuất hình thức đối thoại giữa chính quyền địa phương cơ sở với nhân dân.
Hằng năm, chính quyền địa phương cấp xã có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần hội nghị đối thoại với nhân dân thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc thông qua mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật. Ảnh minh họa: VGP
Đáng chú ý, tại Chương IV của dự thảo luật, Bộ Nội vụ đề xuất hằng năm, chính quyền địa phương cấp cơ sở có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần hội nghị đối thoại với nhân dân thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc thông qua mạng xã hội để trao đổi về tình hình hoạt động của chính quyền địa phương và những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân.
Đây là một chủ trương có tính đột phá, hướng tới việc tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, gia tăng sự minh bạch và thúc đẩy tính trực tiếp giữa chính quyền cơ sở với người dân.
Việc chính quyền cơ sở tương tác trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến cho phép người dân gửi ý kiến, phản ánh, góp ý, chỉ trong vài thao tác nhấp chuột.
Những nội dung này có thể được theo dõi, lưu trữ và chuyển lên cấp có thẩm quyền cao hơn nếu cần. Thay vì phải qua nhiều tầng nấc như trước đây, người dân giờ đây có thể gặp chính quyền ở ngay chiếc điện thoại thông minh.
Điều này không chỉ tiết kiệm công sức, chi phí, mà còn tạo cảm giác gần gũi, khuyến khích sự chủ động tham gia của cộng đồng vào quản trị địa phương.
"Nói chuyện" qua mạng xã hội, cũng là cách để cán bộ xã, phường nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, biết người dân đang mong muốn gì, đang gặp khó khăn ra sao... như những chỉ đạo liên tục gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tuy vậy, chủ trương này sẽ gặp phải nhiều thách thức về “chênh lệch số hóa” và năng lực thực thi của cán bộ tại cơ sở.
Tại những thành phố lớn, tỉ lệ người dùng internet hay smartphone rất cao, song với người dân vùng nông thôn, miền núi, thậm chí cả những lao động tự do tại đô thị, việc tiếp cận thiết bị và kết nối mạng ổn định vẫn còn không ít khó khăn.
Thách thức thứ hai nằm ở tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong môi trường số.
Dù việc đối thoại qua mạng xã hội có thể được lưu lại dưới dạng bài đăng, bình luận, tin nhắn, song nếu không có quy trình quản lý dữ liệu chặt chẽ, vẫn có thể xuất hiện tình trạng thông tin trôi nổi, ý kiến bị bỏ sót hoặc xử lý chậm.
Mặt khác, khi bỏ cấp huyện, một lượng công việc lớn sẽ trở thành nhiệm vụ của cấp xã, phường. Nếu đội ngũ cán bộ ở cấp này thiếu năng lực, trong khi cơ sở hạ tầng số chưa hoàn thiện, quy trình giải quyết ý kiến sẽ trở nên quá tải.
Bỏ cấp huyện và mở rộng kênh đối thoại, để người dân được “nói chuyện” với chính quyền địa phương qua mạng xã hội là bước đột phá phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số.
Tuy nhiên, để mô hình này phát huy tối đa lợi ích, phải nhận diện rõ những thách thức từ khoảng cách số, bảo đảm hạ tầng công nghệ, năng lực cán bộ và cơ chế trách nhiệm để sớm có giải pháp.
Làm được vậy, mạng xã hội mới thật sự là kênh mới giúp mọi người dân có cơ hội tham gia và đóng góp vào đời sống chính trị - xã hội của địa phương mình.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nguoi-dan-doi-thoai-voi-chinh-quyen-qua-mang-xa-hoi-su-dot-pha-trong-quan-tri-dia-phuong-1486769.ldo
HOÀNG VĂN MINH (BÁO LAO ĐỘNG)