Những điểm đáng chú ý trong định hướng cải cách hệ thống chính sách thuế sắp tới
Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí - Bộ Tài chính đã có tham luận tại Hội thảo "Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững" do Báo Lao Động tổ chức ngày 18.12.2024 tại Hà Nội.
Định hướng cải cách hệ thống chính sách thuế của Việt Nam giai đoạn tới đây
Cải cách hệ thống chính sách thuế được xác định là một trong những trụ cột quan trọng trong quá trình cải cách chính công của Việt Nam. Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030, Phương hướng phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025 đã đề ra các mục tiêu, định hướng quan trọng làm cơ sở cho thực hiện cải cách hệ thống chính sách thuế của Việt Nam những năm tới đây.
Trong đó, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hệ thống chính sách thuế trong giai đoạn tới như sau:
“Sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần thiết lập môi trường cạnh tranh phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế”.
Tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia vay và trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp về cải cách hệ thống chính sách thuế như sau:
“Thực hiện các giải pháp khả thi để đạt tỷ lệ huy động cao hơn vào ngân sách nhà nước, khai thác các dư địa thu, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, đẩy mạnh chống thất thu, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước.... Hạn chế việc lồng ghép các chính sách xã hội trong pháp luật về thuế. Rà soát, hoàn thiện các quy định ưu đãi thuế để tránh thất thu, bảo đảm minh bạch, công bằng, khả thi, phù hợp với xu thế phát triển và thông lệ quốc tế...”.
Để cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng này này, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Về mục tiêu tổng quát, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã xác định:
“Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý, khai thác tốt thuế, phí và lệ phí thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật thuế và chính sách miễn, giảm, bảo đảm tính trung lập của thuế, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước; đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh trạnh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế”.
Trên cơ sở các mục tiêu cụ thể này, Chiến lược cũng đã đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể về quy mô và cơ cấu thu NSNN cho giai đoạn 5 năm 2021-2025 và 2026-2030, đảm bảo duy trì tỷ lệ huy động vào NSNN từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý. Đồng thời, dưới phương diện là một trụ cột quan trọng, không thể tách rời với cải cách, đổi mới về chính sách thuế, liên quan đến cải cách quản lý thuế, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 cũng nêu rõ:
“Xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp….” .
Bảng 1: Mục tiêu động viên NSNN giai đoạn 2011-2030- Nguồn: Quyết định 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022.
Bảng 2: Định hướng cải cách một số sắc thuế của Việt Nam - Nguồn: Quyết định 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022.
Những thành công trong cải cách thuế ở Việt Nam giai đoạn vừa qua là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng cải cách được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng cải cách trong Chiến lược này là khá lớn, thể hiện những quyết tâm cao trong việc tiếp tục cải cách, đổi mới hệ thống chính sách thuế của Việt Nam, nhất là trong việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về động viên nguồn lực cho NSNN. Tuy nhiên, bối cảnh KT-XH những năm tới đây cũng đang đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ này.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều rủi ro, các bất ổn về kinh tế vĩ mô có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và lộ trình thực hiện các giải pháp về phát triển KT-XH nói chung, cải cách hệ thống chính sách thuế nói riêng.
Trong bối cảnh này, các giải pháp về cải cách hệ thống chính sách thuế trong thời gian tới sẽ tập trung hướng đến việc xử lý được những vấn đề ngắn hạn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và những yêu cầu dài hạn được xác định trong Chiến lược.
Quá trình cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn tới đây của Việt Nam sẽ chú trọng vào các công việc trọng tâm sau:
- Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các biện pháp cải cách hệ thống chính sách thuế theo các định hướng đã được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.
Trước mắt, trong năm 2025 tập trung vào các công việc trọng tâm sau: i) triển khai có hiệu quả Luật thuế GTGT (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 8 thông qua (có hiệu lực thi hành từ ngày 01.7.2025); ii) phối hợp với các cơ quan có liên quan của Quốc hội và các bộ, ngành để nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội đối với 2 dự án luật thuế là Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật thuế TNDN (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội trong quá trình hoàn thiện và thông qua hai dự án Luật nêu trên tại kỳ họp tháng 5/2025; iii) phối hợp với các bộ, ngành có liên quan quan xây dựng Luật thuế TNCN mới để thay thế cho Luật thuế TNCN hiện hành theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, xây dựng lộ trình để sửa đổi, bổ sung các Luật thuế khác trong hệ thống chính sách thuế cho giai đoạn sau năm 2025 như Luật thuế BVMT, Luật thuế tài nguyên, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế tài sản….
Việc cải cách trong từng sắc thuế sẽ được đặt trong tổng thể cải cách của cả hệ thống thuế và gắn với các yêu cầu cơ bản sau:
i) Cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội về cải cách chính sách thuế, nhất là Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021- 2030, Phương hướng nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2021- 2025 và Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội;
ii) Bám sát các mục tiêu, định hướng trong việc cải cách đối với từng sắc thuế được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra về cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững và yêu cầu động viên nguồn lực cho NSNN để thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030;
iii) Kế thừa và phát huy những quy định đã mang lại tác động tích cực của các chính sách thuế hiện hành; đồng thời, sửa đổi, bổ sung những quy định đang là vướng mắc, không còn phù hợp để kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập phát sinh trong thực tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; và iv) Đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển và xu hướng cải cách thuế trên thế giới, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính.
- Tiếp tục phát huy có hiệu quả vai trò đòn bẩy của chính sách thuế trong việc thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng trong nước, hỗ trợ hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trên cơ sở rà soát, hợp lý hóa các chính sách ưu đãi thuế.
Đảm bảo các chính sách ưu đãi thuế được thực hiện có chọn lọc, tập trung cho các dự án có thể tạo ra ngoại ứng tích cực, tác động lan tỏa đối với nền kinh tế, phù hợp với thị trường và xu thế phân công lao động quốc tế, khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất xanh, tiêu dùng xanh; Đồng thời, đảm bảo các chính sách ưu đãi thuế được thực hiện gắn với các tiêu chí, điều kiện cụ thể, rõ ràng.
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về thuế quốc tế, chủ động tham gia các diễn đàn thuế khu vực và thế giới; hoàn thiện khung khổ về thuế để tham gia hiệu quả các sáng kiến về thuế quốc tế như Diễn đàn chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS) và Giải pháp Hai Trụ Cột. Trong thời gian trước mắt, tập trung xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu theo Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội để áp dụng từ năm tài chính 2024. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đánh giá các vấn đề có liên quan đến Trụ cột 1 của Giải pháp Hai trụ cột để có sự chuẩn bị, chủ động tham gia.
- Đảm bảo sự đồng bộ giữa cải cách hệ thống chính sách thuế với yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế thông qua việc đẩy mạnh cải cách các quy trình, thủ tục về đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế, thanh tra, kiểm tra và các quy trình nghiệp vụ có liên quan trên cơ sở tăng cường ứng dụng CNTT và đẩy mạnh quản lý rủi ro, đảm bảo sự đồng bộ giữa cải cách về chính sách thuế và cải cách về công tác quản lý thuế. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức có liên quan để xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu về thuế và người nộp thuế đồng bộ, tích hợp và có khả năng hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý thuế cũng như cho công tác xây dựng chính sách.
-Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền ban hành, đồng thời chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp trong năm 2025 (tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT, giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn). Cụ thể:
+ Về thuế GTGT: Ngày 30.11.2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, trong đó tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng đầu năm 2025 (từ ngày 01.01.2025 đến hết ngày 30.6.2025).
+Về thuế BVMT: Ngày 10.12.2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 843/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng cho năm 2025 (tiếp tục giảm thuế như đã áp dụng trong năm 2024).
https://laodong.vn/kinh-doanh/nhung-diem-dang-chu-y-trong-dinh-huong-cai-cach-he-thong-chinh-sach-thue-sap-toi-1436995.ldo
P.V (BÁO LAO ĐỘNG)