Thời sự
Cập nhật lúc 05:30 18/12/2024 (GMT+7)
Viện phó Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính kể tên những thách thức đe dọa nền kinh tế

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải chủ động có giải pháp để từng bước củng cố quy mô thu ngân sách nhà nước.

Báo Lao Động trích tham luận của TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính tại "Hội thảo Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững" diễn ra chiều 18.12.2024.

Chính sách thu ngân sách nhà nước trợ lực cho tăng trưởng kinh tế

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững, kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng tích cực, luôn nằm trong nhóm có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. GDP 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6,82%, cao hơn khá nhiều so với năm 2023 (ở mức 4,24%), hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% cả năm.

Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản được kiểm soát tốt, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế bền vững, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vào đồng nội tệ và môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2024, lạm phát bình quân tăng 3,69%, vẫn còn dư địa cho mục tiêu lạm phát cả năm ở mức từ 4-4,5% theo Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội.

Để đạt được những kết quả tích cực nêu trên, chính sách tài khóa đã có vai trò trợ lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững. Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và dần lấy lại đà tăng trưởng.

Mặc dù thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế với quy mô lớn, nhưng tổng thu NSNN vẫn đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo nguồn lực cho các nhiệm vụ ổn định KT-XH, cho thấy các chính sách tài khóa được ban hành đã thực sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế, đồng thời góp phần nuôi dưỡng nguồn thu bền vững.

Một số khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới

Sự bất ổn kinh tế, chính trị thế giới ảnh hưởng mạnh mẽ đến phát triển kinh tế và bền vững nguồn thu NSNN

Trong giai đoạn vừa qua, kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, bất ổn và khó lường, tạo sức ép không nhỏ đến nền kinh tế trong nước. Rủi ro liên quan đến xung đột vũ trang đã tăng mạnh với xung đột đang diễn ra ở Trung Đông, các cuộc tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ, tình trạng an ninh suy giảm rõ rệt ở các khu vực châu Phi cận Sahara và xung đột đang diễn ra tại Ukraine.

Nếu xung đột ở Trung Đông gia tăng, nguồn cung dầu có thể bị gián đoạn đáng kể và giá hàng hóa sẽ tăng đột biến, có khả năng làm suy yếu các nỗ lực đưa lạm phát trở lại mục tiêu trên toàn cầu. Cuộc xung đột Nga - Ukraina sẽ tiếp tục gây rủi ro cho thị trường hàng hóa cũng như an ninh khu vực. Sự kết hợp của nhiều cuộc xung đột vũ trang và tác động dây chuyền có nguy cơ làm trầm trọng thêm sự bất ổn về môi trường địa chính trị, cản trở đầu tư, làm suy giảm tâm lý của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời làm tăng biến động tài chính.

Tăng trưởng thương mại toàn cầu có xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn nhiều bất ổn. Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ bị coi là điểm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc sang Hoa Kỳ và bị đánh thuế riêng.

Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và là quốc gia có mức thặng dư thương mại lớn thứ 3 với Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico; thâm hụt thương mại hàng năm của Hoa Kỳ với Việt Nam đã tăng hơn 2,5 lần từ 39,5 tỷ USD năm 2018 lên gần 105 tỷ USD năm 2023. Dự kiến thương mại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi chính sách giảm thâm hụt, hướng đến cân bằng thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số trên toàn cầu cũng như sự hình thành của các liên minh công nghệ, xu hướng hợp tác quốc tế bảo đảm an toàn đối với trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra không ít thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tại Hội nghị cao cấp về mạng lưới bảo vệ công nghệ đột phá tại Washington tháng 4/2024, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhất trí tăng cường hợp tác kiểm soát xuất khẩu và bảo vệ các công nghệ có tác động quan trọng đến kinh tế và an ninh quốc gia như chip bán dẫn, AI và công nghệ sinh học; Hoa Kỳ và Anh đã thực hiện ký kết thỏa thuận mới về phát triển, bảo mật AI; Đức, Pháp và Italia cũng đã đạt được thỏa thuận về các quy định quản lý AI vào ngày 19/11/2023…

Bên cạnh đó, cũng giống như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu về kinh tế do không tự chủ công nghệ và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. World Bank (7/2024) cảnh báo, 108 nước trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và cả Việt Nam có nguy cơ mắc kẹt ở mức thu nhập trung bình.

Với xu hướng hiện nay, Trung Quốc sẽ phải mất thêm 10 năm và Ấn Độ là 75 năm để đạt thu nhập bình quân đầu người bằng 25% mức của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, nhiều nước thu nhập trung bình vẫn dựa vào chiến lược tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào vốn, lao động và nền kinh tế nhiều phát thải carbon, chưa làm chủ được công nghệ tiến tiến và đối mặt với nhiều thách thức già hòa dân số, biến đổi khí hậu.

Các nước này đóng góp 40% GDP toàn cầu và là nguồn phát thải hơn 60% lượng khí thải carbon hàng năm trên thế giới. World Bank cũng đưa ra bài học thành công cho phát triển thu nhập cao tại Hàn Quốc, Ba Lan và Chile với các bài học về phát triển đầu tư cho công nghệ mới, tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo như chiến lược 3i của Hàn Quốc trong đầu tư, hấp thu công nghệ và phát triển công nghệ của chính mình.

Kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Ở trong nước, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Năng suất lao động có dấu hiệu giảm sút, tốc độ tăng năng suất lao động các năm 2021-2023 lần lượt là 4,71%, 4,8%, 3,65%, thấp hơn mục tiêu đặt ra là 6,5%, làm tăng khoảng cách với các quốc gia trong khu vực.

Năm 2024, chỉ tiêu này ước đạt 5,56%, tuy tăng so với các năm trước nhưng vẫn ở mức thấp. Cầu tiêu dùng có xu hướng tăng trưởng chậm lại và không ổn định, năm 2023 chỉ tăng 3,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,18% năm 2022.

Vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng đầu năm 2024 tuy đạt tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước (tăng 6,8%) nhưng sự cải thiện chỉ rõ nét với khu vực FDI; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp, 11 tháng đầu năm 2024 đạt 60,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có độ mở nền kinh tế cao, với chỉ số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP năm 2023 đạt khoảng 160%, nên dễ tổn thương hơn trước các biến động bên ngoài. Cùng với đó, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Tình hình doanh nghiệp tuy đã có sự cải thiện nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2024 là gần 2.912,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 11 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là hơn 173,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,1% so với cùng kỳ, bình quân một tháng có 15,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu và là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất thế giới, với nhiều loại hình thiên tai khác nhau như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất và cháy rừng.g Trị, Thừa Thiên Huế.

Định hướng chính sách đảm bảo tính bền vững nguồn thu ngân sách

Trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, rủi ro về KT-XH, thì một trong những thách thức đặt ra đối với Việt Nam là huy động được nguồn lực tài chính bền vững để hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng, bao trùm, trong đó nguồn thu NSNN vẫn giữ vai trò quan trọng.

Để đảm bảo tính bền vững nguồn thu ngân sách trong giai đoạn tới, các định hướng chính sách tài khóa cần tập trung vào các mục tiêu sau:

Thứ nhất, triển khai thực hiện tốt các luật mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực từ năm 2025, bao gồm Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính để giải quyết các vướng mắc có tính cấp bách, góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các luật thuế phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển KT-XH và Chiến lược tài chính đến năm 2030, đảm bảo tính minh mạch, công bằng, hướng đến mở rộng cơ sở thu theo xu hướng chung của các nước trên thế giới nhằm tăng cường nguồn thu; đồng thời rà soát chính sách ưu đãi thuế, tập trung ưu đãi thuế vào một số ngành trọng điểm nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý thuế cho cơ quan thu, phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế, thực hiện quản lý thuế điện tử. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng hóa đơn điện tử, hỗ trợ tốt cho người nộp thuế; đồng thời chủ động theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm về tài chính - NSNN.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế chính sách và cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Đây là biện pháp có thể thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết được lao động, tăng thu NSNN, tạo đà phát triển bền vững.

Thứ ba, tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật, tháo gỡ các nút thắt nhằm khơi thông các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, có tính lan tỏa lớn như đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia. Ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá cho các ngành công nghiệp mũi nhọn, lĩnh vực công nghệ cao (công nghệ chip, công nghệ bán dẫn, AI…) và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao cạnh tranh của nền kinh tế.

Tốc độ đổi mới sáng tạo công nghệ trên toàn cầu sẽ tác động sâu rộng đến các ngành, lĩnh vực, thị trường lao động và đang trở thành thách thức đối với các quốc gia có lao động giá rẻ như Việt Nam (với lợi thế so sánh chính dựa vào nguồn lao động giá rẻ và dồi dào).

Do đó, bên cạnh đầu tư cho phát triển KHCN, Việt Nam cần có cơ chế chính sách, giải pháp đột phá, thuận lợi để phát triển KHCN, đặc biệt các lĩnh vực có tính chiến lược và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế bền vững và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thứ tư, ứng dụng mạnh mẽ KHCN, thực hiện chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế số, làm động lực cho tăng trưởng kinh tế và nuôi dưỡng nguồn thu mới từ lĩnh vực này. Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 44, tăng 2 bậc so với năm 2023, liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay; Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc, đứng thứ 17/194 quốc gia.

Chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ 2020 đến 2022 tăng 48%, từ 0,48 lên 0,71; năm 2023, chỉ số này đạt khoảng 0,75. Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

https://laodong.vn/kinh-doanh/vien-pho-vien-chien-luoc-va-chinh-sach-tai-chinh-ke-ten-nhung-thach-thuc-de-doa-nen-kinh-te-1436972.ldo

TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính

In
Về đầu
Lượt truy cập: