Tác động tích cực từ Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị: Khơi dậy tiềm năng, bứt phá tương lai
Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, Việt Nam có cơ hội vàng để phát triển bền vững thông qua khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị khẳng định tầm quan trọng chiến lược của đột phá trong các lĩnh vực này, giúp đất nước vượt qua thách thức và vươn tầm quốc tế.
Xây dựng các trụ cột nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện
Nghị quyết 57 ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ dựa vào các yếu tố truyền thống (lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên) sang phát triển bền vững, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST). Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng:
Thứ nhất là vấn đề toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế. Về áp lực cạnh tranh, Việt Nam cần phải tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng để giữ vững vị thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang thay đổi sâu rộng cấu trúc kinh tế thế giới, đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng.
Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm các yêu cầu về tiêu chuẩn lao động, công nghệ và phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi đất nước phải nâng cấp năng lực quản lý và sản xuất.
Thứ hai là các hạn chế hiện tại của Việt Nam. Nghị quyết 57 được ban hành nhằm khắc phục những bất cập đang tồn tại, đặc biệt tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng: Năng suất lao động và ứng dụng KHCN.
Năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực ASEAN và nguyên nhân là do thiếu kỹ năng lao động và đào tạo chuyên sâu, doanh nghiệp chưa đầu tư đủ vào nâng cấp công nghệ và quản lý hiện đại, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn yếu kém, chưa tận dụng hiệu quả KHCN vào sản xuất và quản lý. Hệ thống nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam còn manh mún, thiếu định hướng. Kết nối giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp còn rời rạc. Chính sách chưa đủ mạnh để thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST). Đầu tư cho nghiên cứu KHCN chưa tương xứng. Doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của chuyển đổi công nghệ.
Thứ ba là nhu cầu và yêu cầu cấp bách tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với KHCN. Nhu cầu đã thay đổi cách tiếp cận trong chiến lược phát triển kinh tế, từ mở rộng số lượng (lao động, tài nguyên) sang nâng cao chất lượng (kỹ thuật, công nghệ). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước, doanh nghiệp và sản xuất. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của thời đại số hóa.
Nghị quyết 57 tập trung vào việc xây dựng các trụ cột chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện trong các lĩnh vực KHCN, ĐMST và chuyển đổi số. Những nội dung này nhấn mạnh đến việc kết hợp giữa nền tảng tri thức, công nghệ hiện đại và sự chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và chất lượng cuộc sống.
Các trụ cột chiến lược bao gồm: Phát triển hệ sinh thái khoa học và công nghệ: Xây dựng một môi trường hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Đảm bảo tài nguyên, chính sách và cơ sở hạ tầng cho khoa học và công nghệ. Tác động thúc đẩy sáng tạo trong doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu, hình thành các trung tâm ĐMST và hợp tác quốc tế.
Thúc đẩy ĐMST trong mọi lĩnh vực: ĐMST không chỉ trong công nghệ mà còn trong quản trị, sản xuất và cung ứng dịch vụ. Tăng tính cạnh tranh và sự khác biệt cho doanh nghiệp và các ngành kinh tế. Tác động tăng trưởng kinh tế bền vững dựa trên nền tảng tri thức, khuyến khích hợp tác đa ngành, đặc biệt trong các ngành mũi nhọn. Tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, giáo dục và y tế. Áp dụng công nghệ số để cải thiện hiệu quả, minh bạch và tốc độ trong quản lý nhà nước.
Các chính sách ưu tiên của Nghị quyết 57
Nghị quyết 57 đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy phát triển KHCN và ĐMST. Các chính sách ưu tiên được nêu ra nhằm tạo điều kiện phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, con người và doanh nghiệp.
Đầu tư vào hạ tầng công nghệ hiện đại và đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển lực lượng lao động trong các lĩnh vực tiên tiến như AI, blockchain và công nghệ sinh học. Giải pháp bao gồm xây dựng khu công nghệ cao, phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và các chương trình đào tạo liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp.
Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo bằng cách tạo môi trường thuận lợi phát triển. Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong công nghệ thông qua các chương trình tài chính, vay vốn ưu đãi, giảm thuế và hỗ trợ pháp lý. Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp với vườn ươm và chương trình tăng tốc.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong khoa học và công nghệ nhằm học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư. Mục tiêu nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ khoa học toàn cầu thông qua tham gia diễn đàn quốc tế, chương trình hợp tác khu vực, và thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài. Đồng thời, hợp tác nghiên cứu với các tổ chức, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới.
https://laodong.vn/thoi-su/tac-dong-tich-cuc-tu-nghi-quyet-57-cua-bo-chinh-tri-khoi-day-tiem-nang-but-pha-tuong-lai-1450052.ldo
PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia Kinh tế