Xu hướng tuyển sinh năm 2025, tăng chỉ tiêu, thêm ngành mới
Nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025. Xu hướng chung là tăng chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành đào tạo mới.
Học sinh nghe tư vấn tuyển sinh tại gian hàng Trường Đại học Mỏ - Địa chất trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2025. Ảnh: Vân Trang
Tăng chỉ tiêu tuyển sinh
Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 20.285 sinh viên đại học chính quy cho 12 trường thành viên, tăng 2.285 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trong đó, trường Đại học Công nghệ được giao chỉ tiêu tuyển sinh nhiều nhất với 3.900 chỉ tiêu (tăng 940 chỉ tiêu). Tiếp đến là trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn với 2.650 chỉ tiêu (tăng 350 chỉ tiêu); trường Đại học Kinh tế 2.500 chỉ tiêu (tăng 150 chỉ tiêu) và trường Đại học Ngoại ngữ 2.400 chỉ tiêu (tăng 400 chỉ tiêu).
Nhiều trường đại học top đầu khác như Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, Học viện Tài chính cũng dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025.
Không chỉ tăng chỉ tiêu tuyển sinh, xu hướng của các trường là mở rộng tổ hợp xét tuyển.
Đơn cử, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội tăng lên 6 tổ hợp, với 2 tổ hợp mới là Toán, Tiếng Anh, Tin học và Toán, Vật lý, Tin học. Hai tổ hợp này dùng cho tất cả các ngành/chương trình đào tạo của trường…
Hay tại Trường Đại học Hà Nội, năm nay trường bổ sung thêm 3 tổ hợp xét tuyển mới là Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Bồ Đào Nha và Công nghệ thông tin. Các tổ hợp này tăng cơ hội cho thí sinh, tạo thêm nguồn tuyển sinh cho một số ngành, đồng thời phù hợp với tổ hợp môn học, môn thi tốt nghiệp của chương trình THPT mới.
Ông Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại - cho biết, bên cạnh giữ nguyên các tổ hợp truyền thống, trường bổ sung thêm các tổ hợp xét tuyển mới liên quan tới các môn tự chọn thi tốt nghiệp THPT, gồm: Toán, Tiếng Anh, cộng thêm các môn tự chọn: Lịch sử, Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Cơ hội cho thí sinh từ các ngành đào tạo mới
Điểm mới đáng lưu ý trong thông tin tuyển sinh của Trường Đại học Thương mại năm 2025 là trường phát triển thêm 7 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế, nhằm trang bị cho sinh viên khi ra trường vừa có kỹ năng chuyên môn vừa có khả năng ngoại ngữ, tham gia vào thị trường lao động quốc tế.
"Trường còn dự kiến có thêm 2 chương trình song bằng quốc tế Marketing và Quản trị kinh doanh, 1 chương trình chuyển giao công nghệ tiên tiến" - ông Trung nói và cho biết, việc cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo được thực hiện liên tục, gắn với thực tiễn để tiếp cận với nhu cầu mà các doanh nghiệp đặt ra.
Còn tại Học viện Tài chính, năm nay, đơn vị dự kiến mở mới các ngành thuộc chương trình chuẩn, gồm: Kinh tế chính trị - tài chính; Luật Kinh tế; Toán tài chính; Khoa học dữ liệu trong tài chính; Trí tuệ nhân tạo trong tài chính kế toán.
9 ngành mới thuộc chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế gồm: Ngân hàng; Đầu tư tài chính; Thuế và quản trị thuế; Kế toán quản trị và kiểm soát quản lý; Kế toán công; Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản; Kinh doanh quốc tế; Quản trị doanh nghiệp; Kinh tế đầu tư.
TS Trịnh Thanh Huyền - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Học viện Tài chính thông tin, từ năm học 2025 - 2026, chương trình liên kết đào tạo giữa Học viện Tài chính và Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) sẽ có thêm môn học Khởi nghiệp trong chương trình đào tạo.
Sau khi có kiến thức về tài chính doanh nghiệp, sinh viên sẽ được học cách viết một đề án khởi nghiệp. Bên cạnh đó, sinh viên theo học chương trình này sẽ có nhiều trải nghiệm thực tế, sớm làm quen với thị trường lao động và dễ dàng bắt nhịp với công việc sau khi ra trường.
Tương tự, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cũng dự kiến mở 6 ngành đào tạo mới trong mùa tuyển sinh năm 2025, gồm: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung, Kỹ thuật vật liệu, Kỹ thuật không gian, Quản lý đô thị và công trình; Quản lý Tài nguyên khoáng sản.
PGS.TS Nguyễn Việt Hà - Trưởng phòng Quan hệ Công chúng và Doanh nghiệp, Trường Đại học Mỏ - Địa chất - lý giải: "Việc mở ngành mới của trường đều dựa trên khảo sát các bên liên quan, đặc biệt là nhu cầu vị trí việc làm trong thực tế, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế, xã hội".
Ông Hà thông tin thêm, trường sẽ có một số điều chỉnh về phương thức xét tuyển. Cụ thể, trường sử dụng thêm kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, bên cạnh điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, nội dung thi, quy chế tuyển sinh đại học có nhiều thay đổi. Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT, năm nay nhiều trường đại học thay đổi tổ hợp xét tuyển nên quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT cũng linh hoạt. Thứ trưởng nhìn nhận, những thay đổi này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các em, xây dựng một môi trường công bằng, minh bạch và thuận lợi hơn trong quá trình dự thi và xét tuyển.
https://laodong.vn/giao-duc/xu-huong-tuyen-sinh-nam-2025-tang-chi-tieu-them-nganh-moi-1482240.ldo
TƯỜNG VÂN (BÁO LAO ĐỘNG)