Tích hợp công nghệ AI dự báo, phân tích thị trường lao động
Đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nên bổ sung quy định về tích hợp công nghệ AI để dự báo lao động, phân tích thị trường lao động...
Cần bổ sung quy định về tích hợp công nghệ AI, dữ liệu lớn để dự báo lao động nhằm nâng cao khả năng phân tích thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ảnh: Minh Quân.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa để điều chỉnh phù hợp, nhằm hoàn thiện, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật…
Việc sửa đổi Luật Việc làm lần này cũng là cơ hội để thể chế hoá các định hướng chiến lược của Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, biến chính sách việc làm thành lợi thế cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên số.
Mặc dù có nhiều điểm mới nhưng theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) dự thảo Luật vẫn chưa thể hiện đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ở 3 điểm cốt lõi.
Đó là chính sách phát triển nhân lực số còn thiếu chiều sâu; hạ tầng số của thị trường lao động chưa được phát huy thành lợi thế cạnh tranh; cơ chế thúc đẩy việc làm sáng tạo còn mờ nhạt, thiếu động lực đột phá.
Do đó, để khắc phục các bất cập trên và triển khai thắng lợi Nghị quyết 57, đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, dự thảo Luật cần được điều chỉnh theo 3 trọng tâm: phát triển nhân lực số, hoàn thiện hạ tầng số của thị trường lao động và thúc đẩy việc làm sáng tạo.
Đại biểu Khải cho rằng, việc sửa đổi Luật Việc làm lần này là cơ hội vàng để thể chế hoá các định hướng chiến lược của Nghị quyết 57, biến chính sách việc làm thành lợi thế cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên số.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải. Ảnh: Quochoi.vn.
Nếu tập trung sửa đổi theo các trọng tâm về nhân lực số, hạ tầng số và việc làm sáng tạo, Luật mới sẽ giúp xây dựng một thị trường lao động năng động, thông minh, thu hút nhân tài, hỗ trợ hiện thực hóa những ý tưởng đổi mới sáng tạo.
Qua đó, nguồn nhân lực Việt Nam sẽ trở thành động lực chính đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, góp phần sớm đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Tại Điều 23, về hệ thống thông tin thị trường lao động, quy định tại Khoản 1 xác định hệ thống thông tin thị trường lao động là công cụ phục vụ quản lý, nghiên cứu, hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, để phù hợp với Nghị quyết 42 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới và nâng cao chất lượng chính sách xã hội, một số đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung nội dung về sự linh hoạt, hội nhập và hiệu quả trong hệ thống này.
Theo đó, cần tích hợp công nghệ AI và dữ liệu lớn nhằm dự báo lao động, nâng cao khả năng phân tích thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đồng thời, việc cập nhật dữ liệu theo thời gian thực sẽ giúp đảm bảo tính đồng bộ, liên thông với các hệ thống dữ liệu về an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và giáo dục nghề nghiệp, góp phần tối ưu hóa chính sách lao động - việc làm trong thời đại số.
https://laodong.vn/thoi-su/tich-hop-cong-nghe-ai-du-bao-phan-tich-thi-truong-lao-dong-1484214.ldo
ANH HUY (BÁO LAO ĐỘNG)