Cán bộ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TPHCM) giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: Minh Quân
Tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) - đơn vị hành chính cấp xã đông dân nhất TPHCM với hơn 123.000 người - chính quyền địa phương hiện có 47 cán bộ, trong đó 23 người là lao động không chuyên trách.
Theo Chủ tịch UBND xã Phùng Quốc Việt, áp lực công việc tại địa phương rất lớn, bình quân mỗi cán bộ phục vụ cho 5.000 - 6.000 dân.
“Về công việc, không có sự phân biệt giữa cán bộ không chuyên trách và công chức. Ai cũng đảm nhận một mảng riêng, làm việc hết mình” - ông Việt chia sẻ.
Tuy vậy, ông Việt cũng thừa nhận, lực lượng này còn nhiều thiệt thòi như không được tăng lương định kỳ, không có vị trí pháp lý rõ ràng, chế độ hỗ trợ chưa tương xứng.
“Hiện nhiều người tâm tư, nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trước khi chuyển giao. Chúng tôi mong có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho đội ngũ này” - ông Việt bày tỏ.
TPHCM sau sắp xếp sẽ có 102 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 78 phường và 24 xã. Một trong những nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tinh gọn bộ máy là lực lượng cán bộ không chuyên trách. TPHCM hiện có 5.562 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, dự kiến sẽ được giải quyết chế độ chính sách và hoàn tất trong năm 2025.
Ông Nguyễn Bắc Nam - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM - thông tin, để hỗ trợ nhóm cán bộ không chuyên trách, TPHCM đã xây dựng nhiều chính sách chủ động, đồng thời gửi kiến nghị lên Trung ương.
Trong đó, đề xuất trợ cấp thôi việc một lần với mức 60 tháng phụ cấp hiện hưởng cho người còn từ đủ 5 năm công tác trở lên tính đến tuổi nghỉ hưu (nếu còn dưới 5 năm thì trợ cấp theo số tháng còn lại); hỗ trợ 12 tháng phụ cấp để tìm việc làm mới; trợ cấp 1,5 tháng phụ cấp cho mỗi năm công tác giữ chức danh không chuyên trách có tham gia bảo hiểm xã hội nhưng chưa được hưởng trợ cấp một lần.
TPHCM cũng đề xuất được tự cân đối ngân sách địa phương, trình HĐND cùng cấp thông qua chính sách hỗ trợ thêm cho lực lượng dôi dư sau sáp nhập.
Song song đó, Sở Nội vụ TPHCM đang phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển TP tổ chức khảo sát toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống chính trị để ghi nhận tâm tư, nguyện vọng, từ đó đề xuất chính sách phù hợp, sát thực tế. Phân nhóm các đối tượng có nhu cầu chuyển đổi nghề để tổ chức đào tạo lại, hướng nghiệp hoặc hỗ trợ khởi nghiệp.
Sở Nội vụ cũng phối hợp với các sở ngành như Sở Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Chính sách xã hội... để cung cấp thông tin về chương trình vay vốn ưu đãi, giải quyết việc làm, khởi nghiệp, đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm dựa trên khảo sát nhu cầu tuyển dụng, xu hướng ngành nghề. Xây dựng mạng lưới liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, để tạo danh sách các vị trí việc làm tiềm năng, sẵn sàng kết nối cung - cầu.
Tại Hà Nội, theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được HĐND TP thông qua, thành phố giảm từ 526 xã, phường xuống còn 126 xã, phường. Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, thành phố sẽ kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đối với 4.635 người.
Về phương án và lộ trình sắp xếp, bố trí cụ thể đối với lực lượng này, thành phố thực hiện bố trí tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố nếu có nguyện vọng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ không bố trí công tác theo quy định. Hoài Anh
https://laodong.vn/cong-doan/nhieu-chinh-sach-ho-tro-can-bo-khong-chuyen-trach-nghi-viec-tai-tphcm-1511722.ldo