Chính sách hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp được kỳ vọng là "bước đệm" quan trọng giúp họ chuyển đổi công việc, nhanh chóng tái hòa nhập thị trường lao động.
Tuy nhiên, tại tỉnh Vĩnh Long, thực tế cho thấy tỉ lệ người lao động thất nghiệp tham gia học nghề còn rất thấp, đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết.
Anh Nguyễn Trung Tín (sinh năm 1995, huyện Bình Tân) cho biết, sau gần 7 năm làm việc với thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng cho một công ty ô tô ở Phú Quốc, anh phải nghỉ việc để về chăm sóc vợ mới sinh và vườn mít Thái của gia đình.
"Với quỹ thời gian eo hẹp, không thể tham gia học nghề theo chương trình hỗ trợ. Khi con đủ lớn, cả 2 vợ chồng sẽ quay lại làm việc với hãng ô tô từng làm", anh Tín cho biết thêm.
Lao động thất nghiệp có thể bận việc gia đình chưa thể tham gia lớp học nghề miễn phí. Ảnh: Hoàng Lộc
Bà Nguyễn Thị Tuyền ở huyện Long Hồ cũng chỉ ra hạn chế của chương trình: thời gian học quá ngắn (tối đa 6 tháng), ngành nghề đơn giản (làm tóc, may, pha chế...) và không có trình độ cao.
"Để thu hút lao động thất nghiệp học nghề, cần mở rộng khóa học linh hoạt hơn, cung cấp các nghề có trình độ cao và thu nhập tốt, đồng thời có thể hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt", bà Tuyền cho biết thêm.
Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Vinh Hiển - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long - cho biết, trong những tháng đầu năm 2025, Trung tâm đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trên 3.400 người. Trung tâm cũng tư vấn cho lao động thất nghiệp trên 3.400 người, tuy nhiên, số người được hỗ trợ học nghề là 339 người. Điều này có nghĩa là chỉ khoảng 10-15% số người nhận trợ cấp thất nghiệp lựa chọn tham gia các khóa học nghề miễn phí.
Ông Hiển đã chỉ ra một số nguyên nhân cốt lõi đằng sau thực trạng này. Một bộ phận lớn lao động thất nghiệp là những người lớn tuổi, họ thường e ngại việc bắt đầu lại từ đầu, cho rằng việc tìm kiếm công việc tương tự với kinh nghiệm sẵn có sẽ khả thi hơn.
Tỉ lệ lao động thất nghiệp chọn học nghề tại tỉnh Vĩnh Long từ đầu năm 2025 đến nay chỉ đạt khoảng 10%. Ảnh: Hoàng Lộc
Ngoài ra, không ít người lao động có xu hướng chọn làm việc tự do, không muốn gò bó trong môi trường doanh nghiệp hay các khóa đào tạo bài bản.
Lao động thất nghiệp có thể không nhận thức được tầm quan trọng của việc cập nhật kỹ năng trong một thị trường lao động ngày càng cạnh tranh khắc nghiệt.
"Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long sẽ liên kết nhiều hơn với các đơn vị đào tạo để mở rộng các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động", ông Hiển cho biết thêm.
https://laodong.vn/viec-lam/nhieu-lao-dong-that-nghiep-o-vinh-long-chua-man-ma-voi-hoc-nghe-mien-phi-1511485.ldo