Các cán bộ công đoàn tham gia tọa đàm “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội của tổ chức công đoàn trong tình hình mới”. Ảnh: Nam Dương
Tọa đàm khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội của tổ chức công đoàn trong tình hình mới” do LĐLĐ TPHCM và Công đoàn Trường Đại học Thủy lợi phối hợp tổ chức chiều 4.4 tại TPHCM.
Ông Huỳnh Văn Tuấn - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Nghiệp vụ LĐLĐ TPHCM - cho biết, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã quy định rõ vai trò, chức năng phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Điều 17 Luật Công đoàn 2024 đã quy định rõ về chức năng, quyền phản biện xã hội của Công đoàn, trong đó “Công đoàn có quyền và trách nhiệm tham gia ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn, người lao động.
Công đoàn có trách nhiệm đề xuất nội dung và thực hiện phản biện xã hội theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Điều này thể hiện rõ vai trò, tầm quan trọng đối với chức năng phản biện xã hội của tổ chức công đoàn.
Tiến sĩ Phan Thị Thanh Huyền - Trường Đại học Thủy Lợi - cho rằng, việc phát huy vai trò phản biện của tổ chức công đoàn không những có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Bà Lê Thị Lệ Huyền - Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu chế xuất & công nghiệp TPHCM - chia sẻ, nhiều thông tin quan trọng trên các kênh thông tin chính thống còn chậm so với mạng xã hội, dẫn đến việc cán bộ công đoàn phản biện lại những thông tin không chính thống trên mạng xã hội ảnh hưởng đến quyền lợi của đoàn viên, người lao động chậm.
Ông Huỳnh Vĩnh Lâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ Quận 1, TPHCM - phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Nam Dương
Ông Huỳnh Vĩnh Lâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ Quận 1, TPHCM - cho biết, LĐLĐ quận được mời tham gia phản biện xã hội với nhiều vấn đề trên địa bàn quận và thành phố; những phản biện của tổ chức công đoàn đã đóng góp thiết thực cho những vấn đề được lấy ý kiến, giúp cho những vấn đề được lấy ý kiến được sát thực tế hơn.
Ông Lâm cũng nêu thực tế, nhiều cán bộ công đoàn được chuyển từ lĩnh vực khác qua, nhiều người nhanh chóng lại được điều chuyển qua lĩnh vực khác nên có khi thiếu hiểu biết, kiến thức trong lĩnh vực được mời phản biện còn chưa sâu. Đồng thời còn thiếu quy chế, quy trình rõ ràng, cụ thể trong việc phản biện xã hội của công đoàn.
Ông Lâm kiến nghị cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy trình phản biện xã hội của tổ chức công đoàn và nâng cao kỹ năng, trình độ phản biện xã hội của cán bộ công đoàn, trong đó chú trọng nâng cao kỹ năng lắng nghe, giao tiếp, tranh luận, thuyết phục cho cán bộ công đoàn để tránh trường hợp chỉ nói theo kinh nghiệm, kiến thức thực có.
Cùng với đó, cần nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số, AI trong phản biện xã hội cho cán bộ công đoàn.
https://laodong.vn/cong-doan/phan-bien-xa-hoi-cua-cong-doan-gop-phan-phat-trien-ben-vung-xa-hoi-1486822.ldo