Ông Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị về công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Ảnh: Quách Du
Phát triển mới 37.000 đoàn viên
Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thanh Hóa, thực hiện Kế hoạch số 185/KH-TLĐ ngày 13.2.2025 của Tổng LĐLĐVN về phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) năm 2025 và kế hoạch của LĐLĐ tỉnh về phát triển đoàn viên giai đoạn 2023 - 2028, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã giao chỉ tiêu phát triển thêm 37.000 đoàn viên, thành lập mới 110 CĐCS trong năm 2025 cho các cấp công đoàn trong tỉnh.
Ông Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cho biết, để thực hiện mục tiêu này, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động xây dựng kế hoạch, khảo sát tình hình doanh nghiệp; kiện toàn, bổ sung Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tăng cường công tác tập hợp người lao động tham gia tổ chức công đoàn theo chỉ tiêu được giao. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp số liệu về đoàn viên và CĐCS, kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên của tỉnh.
Trên tinh thần đó, căn cứ vào chỉ tiêu được giao và điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị, các cấp công đoàn đã tích cực tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, tập trung vào các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn và các CĐCS có lao động mới được tiếp nhận, tuyển dụng. Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức trực tiếp tại doanh nghiệp, phát hành tờ rơi, tờ gấp cung cấp thông tin về quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động khi tham gia công đoàn; tổ chức các phong trào, hoạt động phong phú nhằm thu hút, tập hợp người lao động.
Với những nỗ lực đó, trong quý I/2025, các cấp công đoàn trong tỉnh đã thành lập mới 29/110 CĐCS (đạt 26% kế hoạch Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh giao), kết nạp thêm 3.253 đoàn viên mới.
Những giải pháp trong thời gian tới
Theo LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS thời gian qua bên cạnh thuận lợi vẫn còn không ít khó khăn. Do ảnh hưởng từ tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến chế độ chính sách với người lao động.
Tình hình lao động tại một số doanh nghiệp lớn có sự biến động thường xuyên, cường độ làm việc cao khiến người lao động ít có thời gian tham gia hoạt động công đoàn. Nhiều CĐCS phải tổ chức sinh hoạt ngoài giờ, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động và gây khó khăn trong việc thu hút, tập hợp đoàn viên.
Một số chủ doanh nghiệp còn né tránh, trì hoãn hoặc thiếu hợp tác trong việc thành lập tổ chức Công đoàn theo quy định pháp luật, ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả công tác phát triển tổ chức. Bên cạnh đó, một số nội dung, phương thức hoạt động công đoàn tuy đã có đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Trước thực tế đó, để hoàn thành mục tiêu phát triển đoàn viên trong năm 2025, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã đề ra một số giải pháp trọng tâm như tiếp tục tăng cường chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn; thành lập CĐCS, nghiệp đoàn cơ sở (NĐCS); có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời các đơn vị làm tốt công tác này và hoàn thành sớm chỉ tiêu được giao.
Đồng thời, đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền theo hướng linh hoạt, thuyết phục, phù hợp với từng đối tượng; mở rộng phạm vi vận động cả ở khu vực lao động chính thức và phi chính thức. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, nắm bắt tình hình doanh nghiệp, người lao động; xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, nghĩa vụ và quyền lợi khi gia nhập tổ chức Công đoàn.
LĐLĐ tỉnh cũng chú trọng bố trí nguồn lực phù hợp cho công tác phát triển đoàn viên, hỗ trợ bồi dưỡng, động viên đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, tuyên truyền viên trực tiếp làm công tác tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn.
https://laodong.vn/cong-doan/thanh-hoa-dat-muc-tieu-ket-nap-37000-doan-vien-moi-1486653.ldo