Nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Đắk Lắk đang xoay xở, tìm cách để giữ chân người lao động. Ảnh: Bảo Trung
Công nhân giảm mạnh
Theo khảo sát, tại Khu công nghiệp Hòa Phú và cụm công nghiệp Tân An (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) số lượng công nhân lao động làm việc đang có chiều hướng giảm.
Chị Trần Ngọc Diễm (huyện Cư M’Gar) chia sẻ: “Đầu tháng 3.2025, tôi quyết định nghỉ làm ở một doanh nghiệp may mặc tại cụm công nghiệp Tân An. Dù doanh nghiệp chi trả lương, thưởng mỗi tháng hơn 8 triệu đồng nhưng tôi vẫn quyết định nghỉ việc. Bởi vì ở quê bây giờ sản xuất nông nghiệp thu nhập cao hơn nhiều so với đi làm công nhân”.
Lựa chọn của chị Diễm cũng là quan điểm của phần lớn người lao động sau khi rời khỏi vị trí việc làm ở 2 khu, cụm công nghiệp nêu trên.
Cuối tháng 3.2025, Công ty TNHH KVD Vina (Cụm công nghiệp Tân An) chỉ còn khoảng 1.800 công nhân lao động. Số lượng công nhân giảm đến 500 người so với cùng kỳ 2024. Doanh nghiệp cần tuyển dụng thêm 1.000 công nhân nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, cung ứng kịp các đơn hàng cho đối tác.
Công ty TNHH May Mặc Lực Thiêm Đắk Lắk từ đầu năm 2025 đến nay đã đăng tải thông tin tuyển dụng với số lượng lớn nhưng số lượng công nhân xin vào làm việc vẫn rất nhỏ giọt. Trong khi đó, nhiều công nhân đã xin nghỉ việc về quê nhà làm nông nghiệp để được gần bên gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hồng Huệ - Phó Giám đốc Công ty TNHH May Mặc Lực Thiêm Đắk Lắk - chia sẻ: “Trong năm 2025, đơn vị dự kiến mở rộng thêm 1 nhà xưởng và mong tuyển dụng đủ 1.500 lao động. Tuy nhiên, căn cứ theo tình hình hiện nay việc tuyển dụng thêm công nhân là rất khó khăn. Chúng tôi đã làm đủ cách nhưng vẫn chưa tìm thêm được người để kịp sản xuất các đơn hàng cung cấp cho đối tác”.
Nhiều phương án giữ chân người lao động
Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp nước ngoài ở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bên cạnh việc đăng tải thông tin tuyển dụng còn giới thiệu nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút người lao động. Trong đó, các đơn vị cải thiện chất lượng bữa ăn ca, đóng bảo hiểm, trả lương cao, tăng phụ cấp khi làm thêm giờ...
Chị Trần Thị Dung - phụ trách nhân sự Công ty TNHH KVD Vina - cho biết: “Để giữ chân người lao động ở lại làm việc, công ty chúng tôi đã và đang triển khai nhiều cách làm khác nhau. Trong đó, doanh nghiệp nâng cao chất lượng bữa ăn ca, thêm thời gian nghỉ giữa giờ để người lao động cảm thấy thoải mái. Những người làm thêm giờ, năng suất hiệu quả sẽ được thưởng xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Nhờ đó, có người thu nhập mỗi tháng lên đến hơn 15 triệu đồng”.
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk, trong tháng 3.2025, đơn vị đã tư vấn việc làm, nghề nghiệp cho khoảng 3.500 lượt người và tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo kế hoạch đề ra. Trung tâm cũng cung cấp thông tin thị trường lao động cho khoảng 1.350 lượt đơn vị, doanh nghiệp và người lao động.
Trong thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động thất nghiệp được kịp thời, đúng quy định. Song song với đó, trung tâm sẽ khảo sát thị trường lao động, giới thiệu cho người lao động thất nghiệp những doanh nghiệp uy tín, trả lương cao để họ ổn định cuộc sống.
https://laodong.vn/cong-doan/doanh-nghiep-dak-lak-tim-cach-giu-chan-nguoi-lao-dong-1486171.ldo