10 lao động trên 2 tàu kiểm ngư của tỉnh Nghệ An làm việc liên tục nhiều năm nhưng chế độ chính sách, điều kiện còn nhiều thiệt thòi. Ảnh: Anh Tuấn
22 năm làm việc vẫn không được ký hợp đồng dài hạn
Là người đã có 17 năm gắn bó với công tác kiểm ngư, anh Tạ Quang Thắng (quê huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Hằng năm, chúng tôi được Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An ký hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm, có đóng bảo hiểm xã hội, mức lương bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng. Mức lương được chi trả từ nguồn bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo thỏa thuận giữa người lao động và Chi cục. Công việc bấp bênh, chúng tôi cứ đi làm năm nay nhưng không biết năm sau sẽ thế nào”.
Anh Nguyễn Hữu Hảo (quê huyện Nghi Lộc) - người đã gắn bó với tàu kiểm ngư 22 năm - cho biết, lực lượng kiểm ngư thực hiện chấp pháp trên biển, thường xuyên kiểm tra, truy đuổi các đối tượng vi phạm. Khi phát hiện vi phạm thì hình thức xử phạt nghiêm nên nhiều trường hợp chống trả quyết liệt, rất nguy hiểm. Hoạt động trong điều kiện sóng gió, máy nổ ồn ào nhưng người lao động không được hưởng chế độ độc hại, nguy hiểm. Nhiều năm gắn bó với công việc nhưng chế độ chính sách, điều kiện làm việc của anh em còn nhiều thiệt thòi, thiếu thốn.
Lực lượng kiểm ngư Nghệ An chấp pháp trên biển. Ảnh: Mai Liễu
Đồng hành cùng lực lượng quan trọng trong thực thi pháp luật, đặc biệt là chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EC), nhưng nhiều năm qua, lực lượng lao động trên 2 tàu kiểm ngư của tỉnh Nghệ An vẫn chưa có chế độ ổn định.
Đến nay, 10 lao động làm công tác kiểm ngư gồm thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, thợ máy, thủy thủ… chỉ được ký hợp đồng từng năm theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP; lương chi trả từ nguồn bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Mong được giải quyết chế độ
Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An hiện có 2 tàu kiểm ngư, 2 ca nô cao tốc. Để làm việc trên các tàu kiểm ngư, người lao động phải có sức khỏe tốt để đi biển dài ngày, am hiểu luồng lạch, sóng gió, máy móc, thiết bị đặc thù và có kinh nghiệm xử lý tình huống trên biển.
Mỗi chuyến tuần tra, kiểm soát thường kéo dài 4-5 ngày để bao quát hết địa bàn; việc ăn uống, sinh hoạt đều diễn ra trên tàu. Những ngày không đi biển, anh em thay phiên nhau trực tàu.
Ông Mai Hồng Phong - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư tỉnh Nghệ An - cho biết, đơn vị được giao 27 công chức, 10 viên chức và 6 lao động hợp đồng phục vụ theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP. Những năm qua, 10 lao động làm việc trên tàu kiểm ngư không được ký hợp đồng lao động dài hạn, dù đây là lực lượng chủ chốt của ngành thủy sản, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên biển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
“Chúng tôi luôn trăn trở về chế độ, chính sách cho 10 lao động làm việc trên tàu kiểm ngư. Đây là những người dày dạn kinh nghiệm, cống hiến nhiều năm cho công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU. Họ đã trải qua các giai đoạn khác nhau trong quá trình hình thành và phát triển lực lượng kiểm ngư, nhưng quyền lợi, chế độ chính sách lại chưa ổn định.
Chúng tôi rất mong lực lượng này sớm có chế độ chính sách ổn định, được ký hợp đồng lao động dài hạn để đảm bảo quyền lợi, yên tâm công tác, cống hiến” - ông Mai Hồng Phong nói.
https://laodong.vn/cong-doan/10-lao-dong-cua-kiem-ngu-nghe-an-mong-duoc-bao-dam-quyen-loi-1485294.ldo