Thu nhập công nhân làm việc theo thời gian phụ thuộc chính vào lương cơ bản
Nếu không tăng ca chỉ làm giờ hành chính, nhiều công nhân cho biết, thu nhập chỉ hơn 5 triệu đồng rất khó đảm bảo cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Phương (50 tuổi, Hải Phòng) đang làm công nhân đóng gói bao bì. Thu nhập của bà Phương phụ thuộc hoàn toàn vào thời gian tăng ca nhiều hay ít.
“Mỗi giờ tăng ca, chúng tôi được trả thêm 50% tiền lương so với giờ hành chính. Không tăng ca chỉ được 4,5 triệu đồng lương cơ bản và hơn 1 triệu đồng phụ cấp chuyên cần, xăng xe, độc hại…” - bà Phương nói.
Với mức thu nhập trên, bà Phương cho biết chỉ đủ lo chi phí sinh hoạt ăn uống, điện nước... cho 2 người chứ không có dư. Tháng nào ốm đau hay nhiều việc cỗ bàn - theo bà Phương, đều phải sử dụng đến tiền lương của chồng.
19h tối nhưng bà Phương (áo đen) và nhiều công nhân khác vẫn đang miệt mài tăng ca. Ảnh: Minh Hương.
Mỗi ngày, nữ công nhân đều ở lại làm thêm 2,5 tiếng. Thời gian này, bên cạnh khoản thu nhập hơn 1,7 triệu đồng tăng ca, bà Phương còn được công ty hỗ trợ thêm 520.000 đồng tiền ăn tối và sản lượng từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Tổng thu nhập sau khi tăng ca của bà Phương được gần 8 triệu đồng/tháng.
Thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào thời gian tăng ca nên dù rất mệt mỏi, bà Phương vẫn mong công ty có việc làm ổn định để được tăng ca.
Mỗi dịp đến mùa ít việc hoặc công ty gặp khó khăn, bên cạnh nỗi lo chỉ làm giờ hành chính, bà Phương cũng rất lo lắng bị công ty cho thôi việc bởi tuổi cao.
Khi nghe thông tin sắp tới có thể giảm giờ làm việc, bà Phương vừa vui mừng lại vừa lo lắng. Vui mừng vì sẽ đảm bảo sức khỏe hơn còn lo lắng vì thu nhập có thể giảm rất nhiều nếu làm ít thời gian.
Do vậy, để đảm bảo thu nhập cho người lao động khi giảm giờ làm, bà Phương đề xuất nên tăng mức lương tối thiểu vùng lên 10% so với hiện tại.
“Nếu tăng lương tối thiểu vùng lên 10%, dù chỉ làm giờ hành chính, thu nhập cũng tạm ổn để đảm bảo cuộc sống hàng ngày” - bà Phương cho hay.
Bà Nguyễn Thị Miên (45 tuổi, Ninh Bình) - công nhân giày da chia sẻ, tháng nào không tăng ca hoặc tăng ca ít, thu nhập giảm rõ rệt.
“Tháng 6 chúng tôi không tăng ca 15 ngày, thu nhập giảm hơn 1 triệu đồng. Nếu cả tháng không tăng ca, thu nhập có thể giảm hơn 2 triệu đồng. Không tăng ca ban đêm, tiền lương giảm thêm ít nhất 500.000 đồng nữa” - bà Miên nói.
Khi tăng ca, bà Miên cho biết, công nhân có rất nhiều quyền lợi. Bên cạnh thu nhập tăng lên, nữ công nhân còn được hưởng thêm tiền ăn 650.000 đồng tiền ăn bữa tối và 100.000 đồng tiền hỗ trợ tăng ca.
Bên cạnh đó, mỗi lần công ty điều chỉnh tăng tiền lương cơ bản, tất cả các công nhân đều vô cùng vui mừng. Theo bà Miên, vừa rồi mới tăng 350.000 đồng, thu nhập hàng tháng của bà cũng đã tăng gần 1 triệu đồng.
“Tháng 2.2025, lương cơ bản của tôi là 4,5 triệu đồng, thu nhập cả tăng ca và làm đêm được gần 10 triệu đồng. Sang tháng 3, lương cơ bản tăng lên 4,85 triệu đồng, thu nhập của tôi đã tăng vọt lên 10,8 triệu đồng” - bà Miên nói.
Vì thế, bên cạnh nhu cầu được tăng ca đều đặn, bà Miên vẫn mong muốn Nhà nước điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng càng sớm càng tốt.
Theo bà Miên, tăng lương tối thiểu vùng sẽ thôi thúc công ty tăng lương cơ bản cho công nhân. Từ đó tăng thu nhập tốt hơn để bù trượt giá các mặt hàng trên thị trường và tăng nhu cầu trong cuộc sống cho người lao động.
https://laodong.vn/cong-doan/thu-nhap-cong-nhan-lam-viec-theo-thoi-gian-phu-thuoc-chinh-vao-luong-co-ban-1539589.ldo
Minh Hương (BÁO LAO ĐỘNG)