Cao tốc và sân bay mở ra kỳ vọng mới cho Tây Nguyên
Song song với việc đẩy nhanh sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đang nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ đồng thời, đề xuất các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông để tăng cường kết nối vùng và liên kết với các tỉnh duyên hải.
Hạ tầng giao thông đồng bộ giúp các tỉnh Tây Nguyên liên kết vùng miền, các tỉnh duyên hải. Ảnh: Thanh Tuấn
Kon Tum cần sân bay, cao tốc
Tháng 3.2025, UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cơ quan chức năng hoàn thành đúng kế hoạch các dự án động lực của tỉnh. Dự án xây dựng cầu và đường từ Bến du lịch xã Ia Chim đến xã Ya Ly, thành phố Kon Tum phải hoàn thành trong năm 2025.
Đối với dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu bố trí đầy đủ nhân lực, vật tư theo nguyên tắc "giải phóng mặt bằng đến đâu, thi công đến đó". Trên công trường, công nhân miệt mài thi công giữa thời tiết nắng nóng, thực hiện các hạng mục như đổ bêtông dầm cầu, thảm nhựa mặt đường, lu lèn nền đường, tạo nên không khí lao động sôi động và quyết tâm cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Lê Ngọc Tuấn, nhấn mạnh việc ổn định bộ máy hành chính và tâm lý cán bộ, công nhân viên, đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị nhằm hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
Trong năm 2025, Kon Tum kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án trọng điểm tại Tây Nguyên, đặc biệt là Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen.
Để đạt mục tiêu đón 2,5 triệu lượt khách du lịch, tỉnh đề xuất Bộ Xây dựng bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 theo thủ tục rút gọn. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ sớm triển khai thủ tục đầu tư cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum nhằm tăng cường kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Mở đường lớn cho xuất khẩu nông sản
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Rah Lan Chung, vừa yêu cầu Sở Xây dựng và Sở Tài chính chuẩn bị thủ tục cho các dự án trọng điểm, gồm cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và nâng cấp Cảng hàng không Quốc tế Pleiku.
Gia Lai định hướng phát triển dựa trên ba trụ cột chính.
Thứ nhất, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thúc đẩy xuất khẩu.
Thứ hai, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững theo bản sắc Tây Nguyên, góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam.
Thứ ba, phát triển công nghiệp có chọn lọc, tận dụng lợi thế địa phương, hạn chế xuất khẩu thô, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đồng thời tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ và liên kết chuỗi cung ứng.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề xuất Bộ, ngành Trung ương bổ sung đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Pleiku (Gia Lai) đến Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vào danh mục đầu tư trước năm 2030. Đồng thời, tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn, hỗ trợ ngân sách để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện triển khai cao tốc Quy Nhơn - Pleiku. Dự án này không chỉ kết nối liên tỉnh, gắn kết rừng và biển mà còn tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng nghìn tấn nông sản như cà phê, hồ tiêu, chanh dây sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Gia Lai đề nghị Trung ương hỗ trợ thêm 64,9 tỉ đồng để thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, góp phần cải thiện đời sống người dân.
https://laodong.vn/xa-hoi/cao-toc-va-san-bay-mo-ra-ky-vong-moi-cho-tay-nguyen-1483583.ldo
THANH TUẤN (BÁO LAO ĐỘNG)