Thời sự
Cập nhật lúc 12:13 01/04/2025 (GMT+7)
Chuyển đổi xanh cần chính sách hỗ trợ tín dụng phù hợp

Chuyên gia nhấn mạnh vai trò của chính sách bảo lãnh tín dụng và huy động vốn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

Chuyển đổi xanh cần chính sách hỗ trợ tín dụng phù hợp
Lễ phát động Ngày chuyển đổi xanh năm 2025 với chủ đề: “Chuyển đổi xanh - Chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững”. Ảnh: Phan Anh

Hợp tác xã giúp hộ kinh doanh tiếp cận vốn dễ hơn

Tọa đàm “Chuyển đổi xanh - Nhiệm vụ sống còn của doanh nghiệp” nằm trong chuỗi sự kiện Ngày chuyển đổi xanh năm 2025, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Báo Lao Động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức, với chủ đề “Chuyển đổi xanh - Chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững”.

Tại Tọa đàm, TS Nguyễn Quốc Việt - Chuyên gia kinh tế, Trường Đại học Kinh tế (UEB) nhấn mạnh vai trò của chính sách và pháp luật trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông cho rằng các chính sách về bảo lãnh tín dụng và huy động vốn là nội dung quan trọng. Đây cũng là chủ đề được thảo luận sôi nổi tại nhiều hội thảo với sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, trước hết, chúng ta cần phân loại đặc điểm và mô hình của các dự án để có giải pháp phù hợp. Đối với các dự án quy mô lớn, Chính phủ đã có các cơ chế như Luật Đầu tư và hợp tác công tư (PPP) nhằm phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Thông qua các cơ chế này, Nhà nước có thể đặt hàng các doanh nghiệp lớn để tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Đây là hình thức hợp tác giúp Nhà nước tận dụng hiệu quả các nguồn vốn xã hội và giảm thiểu rủi ro tài chính.

Tuy nhiên, ở cấp độ vi mô, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, chúng ta có tới 10 triệu hộ nông dân và 5 triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Đây là những đối tượng có nhu cầu vốn rất lớn nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn còn nhiều hạn chế. Các khoản vay thường nhỏ lẻ, mang tính tự phát và không đủ để thực hiện các dự án quy mô.

Nhiều hộ kinh doanh đề xuất cần có chính sách hỗ trợ tín dụng tập trung, thông qua các hợp tác xã hoặc mô hình liên kết. Khi đó, hợp tác xã có thể đóng vai trò là đơn vị bảo lãnh tín chấp, giúp các hộ kinh doanh thành viên tiếp cận các nguồn vốn dễ dàng hơn. Ví dụ, trong các dự án chuyển đổi xanh, thay vì từng hộ kinh doanh tự vay vốn, hợp tác xã có thể gom nhu cầu và đại diện đứng ra vay vốn với mức độ tín nhiệm cao hơn.

TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, chuyển đổi xanh cần chính sách hỗ trợ tín dụng phù hợp. Ảnh: Phan Anh
TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, cần chính sách hỗ trợ tín dụng phù hợp cho các lĩnh vực, các nhóm doanh nghiệp. Ảnh: Phan Anh

Giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá cho doanh nghiệp

Đối với các dự án lớn hơn tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế như tín dụng quốc tế hoặc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này thường phải đối mặt với rủi ro vĩ mô, đặc biệt là rủi ro tỷ giá. Khi tỷ giá biến động mạnh, chi phí trả nợ của doanh nghiệp sẽ tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tài chính. Vậy, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có các cơ chế phòng ngừa và hỗ trợ rủi ro này hay không?

Việc có các chính sách bảo lãnh hoặc hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm hơn khi tiếp cận các nguồn vốn quốc tế. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, như sử dụng các công cụ phái sinh hoặc các sản phẩm bảo hiểm tài chính.

Một ví dụ thực tế là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp quan tâm đến điện mặt trời nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận các gói tín dụng lớn. Trong trường hợp này, các ban quản lý khu công nghiệp có thể đứng ra làm trung gian, gom các dự án điện mặt trời nhỏ lẻ lại thành một dự án có quy mô lớn hơn. Khi đó, việc vay vốn từ các tổ chức tài chính sẽ dễ dàng hơn, với mức lãi suất ưu đãi hơn.

Cuối cùng, để các chính sách thực sự hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc đồng bộ hóa các chính sách từ cấp trung ương đến địa phương sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình huy động vốn và thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng việc phân loại nhu cầu và mô hình doanh nghiệp theo từng ngành hàng và quy mô hoạt động là rất quan trọng. Mỗi nhóm doanh nghiệp sẽ có những đặc thù riêng, đòi hỏi các chính sách hỗ trợ cụ thể, không thể áp dụng một cách đồng loạt. Việc này sẽ giúp nâng cao hiệu quả của các chính sách và đảm bảo các nguồn lực tài chính được phân bổ hợp lý.

Chính sách bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ vốn cần được xây dựng dựa trên sự phân loại rõ ràng về quy mô và đặc điểm của doanh nghiệp. Đồng thời, cần có các cơ chế phòng ngừa rủi ro tỷ giá, các giải pháp hỗ trợ tín dụng hiệu quả và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý để thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.

https://laodong.vn/kinh-doanh/chuyen-doi-xanh-can-chinh-sach-ho-tro-tin-dung-phu-hop-1483403.ldo

Hà Vy (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: