Quyết tâm của Chính phủ trong tăng trưởng hai con số
Chính phủ không chỉ tập trung vào cải cách môi trường kinh doanh mà còn đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tư nhân và công nghiệp chế biến chế tạo, đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm sắp tới.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Chung tay vào mục tiêu tăng trưởng của đất nước
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt, là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và là thời điểm quan trọng để triển khai mạnh mẽ công cuộc cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Đây cũng là giai đoạn then chốt để củng cố những nền tảng quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho đất nước tự tin bước vào thời kỳ phát triển mới, bền vững và thịnh vượng.
Trên thực tế, quyết tâm của Chính phủ đã được thể hiện rõ nét. Ở tất cả các lĩnh vực, ngành và địa phương, Chính phủ yêu cầu tăng tốc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung của quốc gia.
Lần đầu tiên, Chính phủ ban hành nghị quyết “khoán” (Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5.2.2025) tăng trưởng cho các ngành và địa phương trong nỗ lực đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8% trở lên năm 2025. Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 10 cuộc làm việc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng.
Tại phiên họp Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Trung ương đã có kết luận, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Chỉ đạo tập trung 3 đột phá chiến lược bao gồm hoàn thiện thể chế, hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo hướng "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị và nguồn nhân lực thông minh", Thủ tướng Chính phủ cho rằng, phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Trong đó thúc đẩy giải ngân đầu tư công, triển khai các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, xây dựng các trung tâm tài chính, khu thương mại tự do, các dự án đường sắt kết nối, đường sắt tốc độ cao, nhà máy điện hạt nhân… Đặc biệt, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, tạo chuyển biến thực chất chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật.
Tháo chốt, khơi thông các điểm nghẽn cho kinh tế tư nhân
Tại cuộc họp về xây dựng đề án phát triển kinh tế tư nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phải sử dụng công cụ tài khóa, tiền tệ và thủ tục hành chính để điều tiết, điều chỉnh, kiến tạo; hạn chế tối đa áp đặt các mệnh lệnh can thiệp của Nhà nước; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và đúng nguyên tắc kinh tế thị trường, cam kết quốc tế.
Lấy ví dụ về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng với các doanh nghiệp trong triển khai các công trình, dự án lớn, trọng điểm quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, làm sao để tạo sự yên tâm, tạo niềm tin, tạo hứng khởi, giúp khu vực kinh tế tư nhân hoạt động, phát triển lành mạnh, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Chính phủ so sánh, việc "tháo chốt", khơi thông các điểm nghẽn để khu vực kinh tế tư nhân bung ra cũng giống như gạch đá lâu nay đang cản trở dòng nước sẽ được nhấc ra để dòng nước chảy "ào ào".
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh, để phát triển kinh tế tư nhân, cần chọn lọc các lĩnh vực và công trình ưu tiên phát triển theo từng giai đoạn, phù hợp với khả năng huy động và phân bổ nguồn lực.
Những doanh nghiệp được lựa chọn cần là doanh nghiệp đã hoặc có tiềm năng triển khai các công trình, lĩnh vực trọng điểm, có khả năng dẫn dắt xu hướng phát triển và tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực sang các ngành và các doanh nghiệp khác. Chính sự lan tỏa này sẽ thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong khu vực tư nhân, khơi dậy động lực phát triển bền vững cho toàn nền kinh tế.
Theo đại biểu, cần ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể cho doanh nghiệp được đặt hàng, như ưu đãi về tiếp cận nguồn lực, bao gồm vốn, đất đai, lao động; chính sách ưu đãi về thuế; đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai các dự án.
https://laodong.vn/thoi-su/quyet-tam-cua-chinh-phu-trong-tang-truong-hai-con-so-1486443.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)