3 mẹ con quây quần bên nhau ăn bữa cơm tối.
Chiếc xe “cà tàng” và bữa cơm tối của 3 mẹ con
Vào một ngày đầu tháng 3, chúng tôi được ghé thăm mái ấm nhỏ của chị Huyền. Trong bộ quần áo công nhân đã sờn màu cùng chiếc xe máy “cà tàng”, chị Huyền dẫn chúng tôi cùng đi chợ nấu ăn cho gia đình sau giờ tan ca.
Đã 19h nhưng chợ Sang Trắng (cạnh Khu công nghiệp Trà Nóc) vẫn sáng đèn. Vừa tỉ mỉ lựa chọn thực phẩm, chị Huyền vừa bộc bạch: “Đây đều món các con thích, vợ chồng tôi ăn gì cũng được. Những hôm nhận lương hay có thưởng, tôi cũng mua ít bánh và quà vặt cho các cháu”.
Mua thực phẩm xong, chúng tôi di chuyển về nhà trọ gia đình chị Huyền đang sinh sống tại phường Phước Thới (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), cách Khu công nghiệp Trà Nóc khoảng 3km. Khác với bóng dáng mệt mỏi lúc vừa tan ca, chị Huyền nở nụ cười tươi khi được con trai và con gái ra đón lúc về đến nhà.
Loay hoay khoảng 20 phút, chị Huyền và con gái đã nấu xong bữa cơm đơn giản. Quây quần bên mâm cơm cùng 2 con, nữ công nhân bắt đầu trải lòng với chúng tôi về cuộc sống mưu sinh nơi xứ người.
Khoảng 19h, chị Huyền tan làm ở Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ).
Mong một lần về quê đón Tết
Năm 2007, chị Huyền rời quê Quảng Bình vào Đồng Nai làm công nhân tại Khu công nghiệp Biên Hòa. Tại đây, chị quen biết và kết hôn với anh Thọ (chồng chị Huyền, quê Hậu Giang) vào năm 2010. Vào năm 2013, gia đình chị Huyền chuyển về Cần Thơ sinh sống đến nay.
Kể về một ngày của mình, chị Huyền chia sẻ, bản thân thường dậy từ 4h30 để chuẩn bị bữa sáng cho gia đình. Tùy vào hôm tăng ca hay không mà thời gian về nhà có thể là chiều hoặc tối. Còn chồng chị Huyền - với công việc bảo vệ - giờ giấc có phần thất thường nên thời gian buổi tối của gia đình thường chỉ có 3 mẹ con.
Chị Huyền sử dụng 100.000 đồng để mua thịt, cá, rau và bánh cho 2 con.
Sau bữa cơm tối là lúc chị Huyền dành để kèm các con học bài. Trong khi con gái lớn học lớp 8 chăm chỉ ôn lại bài vở cho hôm sau thì chị Huyền ân cần cầm tay con trai học mẫu giáo nắn nót từng nét chữ. Với chị Huyền, đây vừa là niềm vui vừa là hy vọng về một tương lai tốt đẹp.
“Với tôi, nấu ăn hay dạy học cho các con đều là niềm vui. Hơn 8 tiếng làm việc, nhìn các con ăn ngon, chăm chỉ học hành, mọi mệt mỏi đều được xua tan”, nữ công nhân chia sẻ.
Không họ hàng, cha mẹ hai bên ở xa, tổng thu nhập dao động từ 12 - 14 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị Huyền phải vun vén để đủ trang trải cuộc sống. Cả hai không dám dùng cho bản thân, tất cả tiền bạc được chị sử dụng trong chi tiêu hàng ngày và lo cho các con học hành.
Chị Huyền cùng con gái học lớp 8 chuẩn bị bữa tối.
Bữa cơm hôm nay gồm có trứng, cá và canh rau.
“Niềm hy vọng của tôi là mong các con học giỏi, sau này có việc làm ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn cha mẹ của chúng. Con gái lớn hiểu chuyện, ngoài đón em phụ mẹ, cháu con tranh thủ lúc tan học về nhặt ve chai để dành tiền mua dụng cụ học tập. Thấy con như vậy, mình vừa thương vừa xót và càng có thêm động lực cố gắng”, chị Huyền tâm sự.
Gần 15 năm kết hôn, vợ chồng chị Huyền chỉ về quê thăm quê Quảng Bình vỏn vẹn 2 lần và không lần nào đúng dịp Tết vì chi phí mỗi chuyến đi hơn cả tháng lương của nữ công nhân.
Sau giờ làm và đi chợ về, chị Huyền lại vui vẻ cùng các con.
Sau bữa cơm tối là thời gian chị Huyền dành để kèm các con học bài. Ảnh: Tạ Quang
“Nhà ngoại ở vùng sâu vùng xa. Cháu lớn được cùng cha mẹ về thăm quê ngoại 1 lần, còn con trai nhỏ thì chưa. Chỉ mong năm nay, công việc thuận lợi, thu nhập ổn định, chúng tôi có thể cho các cháu ra Quảng Bình đón Tết và mừng tuổi ông bà ngoại như bao đứa trẻ khác”, nữ công nhân bày tỏ.
Mong ước về 1 lần về quê đón Tết cũng đã khép lại cuộc trò chuyện của chúng tôi và chị Huyền. Thời gian tuy ngắn, nhưng ít nhiều chúng tôi đã hiểu thêm về niềm vui lẫn nỗi buồn của người công nhân xa xứ. Có lẽ, dù có bộn bề nỗi lo, mái ấm nhỏ này đã tiếp thêm động lực to lớn cho nữ công nhân cố gắng từng ngày...
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/bua-com-sau-gio-tan-ca-cua-mot-gia-dinh-cong-nhan-1479995.ldo