Ghi nhận của PV cho thấy, các xóm trọ công nhân tại thôn Bầu, Hậu Dưỡng, Nhuế (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), hầu hết phòng trọ cũ kỹ có thâm niên từ 15 - 20 năm, đều đã xuống cấp. Do vậy, giá thuê cũng rất rẻ, từ 400.000 - 500.000 đồng/tháng.
Phòng trọ công nhân với diện tích 8m2 ở thôn Hậu Dưỡng, giá thuê 500.000 đồng/tháng. Ảnh: Phương Hân
Ông Trần Xuân Thạp (sinh năm 1954) - chủ nhà trọ ở thôn Bầu - có 11 phòng cho thuê phòng, giá chỉ 400.000-500.000 đồng/phòng/tháng. Dù rất muốn nâng cấp, sửa chữa nhưng chưa có kinh phí nên chưa thể thực hiện. Những ngày mưa phùn rả rích, nồm ẩm càng tấn công phòng trọ xuống cấp.
"Mùa nồm, công nhân thuê trọ ở đây "vật lộn" khi tường nổi lên mốc đen, các vật dụng trong nhà như đũa, thớt, quần áo cũng có thể mốc được" - ông Thạp nói.
Giấy dán tường cũng bị nồm tấn công. Ảnh: Phương Hân
Thuê phòng giá thuê 500.000 đồng/tháng, chị Sùng Thị Sung chấp nhận sống khổ vì nồm ẩm. Chị Sung cho rằng: "Thuê phòng giá rẻ nên không đòi hỏi thêm nhiều. Mùa nồm chỉ xuất hiện thời gian ngắn nên có thể chịu được".
Chị Sung chấp nhận thuê phòng cũ kỹ vì giá rẻ. Ảnh: Phương Hân
Anh Nguyễn Văn Chung - thuê trọ ở thôn Hậu Dưỡng - cho biết, làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long 4 năm, thay đổi 3 phòng trọ. Theo anh, rất khó để khắc phục tình trạng nồm ẩm, nhất là đối với phòng trọ được xây dựng lâu năm. Công nhân sống một mình như anh Chung đành chấp nhận "sống chung với lũ".
Xóm trọ công nhân ướt nhẹp, quần áo lâu khô vì mưa ẩm. Ảnh: Phương Hân
Anh Chung thuê phòng trọ khoảng 12m2, giá thuê 500.000 đồng/tháng (chưa bao gồm điện, nước), không có nhà vệ sinh khép kín. Điều anh Chung lo ngại nhất khi mùa nồm ẩm xuất hiện là quần áo không thể khô. Như vậy, anh phải tốn thêm 50.000 - 70.000 đồng cho mỗi lần đi tiệm giặt.
"1 tuần tôi chỉ dám đến tiệm giặt đồ 1 lần, phần vì tốn kém, không được sạch sẽ như ở nhà do lượng khách đông" - anh Chung nói.
Dù đã thuê nơi ở có giá nhỉnh và cao thoáng hơn, công nhân vẫn chịu ảnh hưởng của mùa nồm.
Mỗi khi trời nồm, điều chị Lê Thị Ngà (thuê trọ tại tầng 9 chung cư CT1A khu nhà ở công nhân Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) khó chịu nhất là việc phơi quần áo lâu khô.
“Trời nồm như này mỗi lần phơi phải 2,3 ngày quần áo mới có thể khô” - chị Ngà cho biết.
Khi bắt đầu vào thời điểm không khí bị nồm, nữ công nhân này đã tính toán, định mua máy sấy quần áo nhưng những máy sấy có thương hiệu thì mất nhiều tiền; trong khi máy sấy rẻ tiền hơn thì chị lại lo ngại nguy cơ cháy.
“Vừa rồi báo chí cũng đưa cảnh báo về nguy cơ cháy của máy sấy quần áo nên tôi khá lo. Dù tiện lợi nhưng nếu xảy ra hỏa hoạn sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, tôi lưỡng lự chưa mua máy sấy” - chị Ngà chia sẻ.
Chị Lê Thị Ngà dùng máy sấy tóc để sấy quần áo trong những ngày nồm ẩm. Ảnh: Phương Hân
Thay vì mua máy, chị dùng máy sấy tóc để sấy quần áo. Giải pháp này chỉ dùng cho những quần áo mỏng, nhỏ; còn những quần áo dày thì đành… chịu.
Độ ẩm cao khiến sàn nhà luôn trong tình trạng nhớp nháp. Chị không dám lau nhà, bởi nếu lau thì sẽ rất lâu khô.
Chị Ngà cũng thường xuyên đóng cửa nhà để ngăn gió mang hơi ẩm vào trong nhà. “Tôi cảm giác lúc nào không khí cũng ẩm ướt, khó chịu, không thoải mái. Mong kiểu thời tiết này mau kết thúc để có những ngày tạnh ráo” - nữ công nhân cho hay.
https://laodong.vn/cong-doan/nom-am-phong-tro-cong-nhan-thue-gia-re-bi-moc-den-1471468.ldo