400.000 cán bộ không chuyên trách, sẽ không ai bị bỏ lại phía sau
Hiện có hơn 400.000 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, những người này bị ảnh hưởng khi sắp xếp tinh gọn.
Cán bộ không chuyên trách cấp xã phải đáp ứng tiêu chuẩn sau sáp nhập theo Nghị định 33/2023/NĐ-CP. Ảnh minh họa: Hà Anh.
Khi sáp nhập từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã còn 5.000 đơn vị, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang đã được quy định rõ theo Nghị định 178 và Nghị định 67.
Tuy nhiên, nhiều người quan tâm liệu hơn 400.000 cán bộ không chuyên trách, khi sắp xếp bộ máy và thuộc diện tinh giản, có được hưởng chế độ, chính sách như cán bộ, công chức hay không.
Cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là những người được giao thực hiện một số nhiệm vụ, công việc tại các cơ quan, tổ chức của Nhà nước hoặc chính quyền địa phương nhưng không thuộc biên chế chính thức và không hưởng lương theo hệ thống bậc lương của Nhà nước.
Vì không thuộc biên chế chính thức, nhiều người lo lắng rằng họ sẽ là những người đầu tiên bị loại khi sáp nhập xã và cũng chưa biết, họ sẽ được nhận chế độ hỗ trợ thôi việc hay không.
Trước hết, phải xác định, nếu không có năng lực, bất cứ ai cũng sẽ bị tinh giản, từ cán bộ, công chức cho đến cán bộ không chuyên trách.
Về chế độ, chính sách cho cán bộ không chuyên trách thôi việc, Khoản 2, Điều 9 Nghị định 29 về tinh giản biên chế quy định:
Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh bầu cử: Cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thì được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng. Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên;
Đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giữ các chức danh không do bầu cử, chế độ được hưởng cũng tương tự như nhóm trên.
Ngoài hưởng chế độ, chính sách theo quy định, những người thôi việc cũng cần được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để có thu nhập, trang trải cuộc sống. Thêm một gia đình no ấm là thêm sự ổn định cho xã hội.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà từng khẳng định: "Không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy".
Nhưng "không bỏ lại phía sau" không chỉ là chuyện hỗ trợ với người thuộc diện thôi việc, tinh giản, mà là đối với người giỏi, cần phải ưu tiên sử dụng, không bỏ sót nhân tài.
Nếu xem xét năng lực cán bộ một cách công bằng, minh bạch, có thể phát hiện nhiều cán bộ không chuyên trách trẻ, năng động, nhiệt tâm.
Hãy tạo cho những cán bộ này cơ hội được cống hiến.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/400000-can-bo-khong-chuyen-trach-se-khong-ai-bi-bo-lai-phia-sau-1486844.ldo
LÊ THANH PHONG (BÁO LAO ĐỘNG)