Đại diện Trung tâm Lao động ngoài nước ký kết hợp tác với đối tác Nhật Bản. Ảnh: Colab
Có giấy phép nhưng vẫn làm sai phép
Anh Nguyễn Văn Cao, quê ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) thông qua người quen giới thiệu, đến gặp đại diện một công ty có trụ sở tại đường Hải Triều, phường Bến Nghé, (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) với lời hứa đưa sang Australia làm việc ngành nông nghiệp. Anh Cao được gặp đại diện công ty tại thành phố Hà Tĩnh vào đầu tháng 3.2025.
Tại buổi làm việc, anh Cao được “báo giá” gói đi Australia trọn gói 175 triệu đồng bao gồm chi phí xuất cảnh, visa, khám sức khỏe, vé máy bay. “Công ty hứa sẽ hỗ trợ ứng nộp phí trước 80%, tương đương 140 triệu đồng. Mỗi tháng người lao động trả cho công ty 11.660.000 đồng, làm trả dần trong 12 tháng. 20% số tiền còn lại, tương đương 35 triệu đồng, người lao động đóng cho công ty khi đã đậu visa và nhận lịch bay”, anh Cao nói.
Cũng theo anh Cao, trong buổi gặp mặt, đại diện công ty cho anh xem giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và cho xem một số hình ảnh trong điện thoại về những lần đại diện công ty tiễn lao động tại sân bay. Tin tưởng, anh Cao đồng ý đi và hẹn về lo tiền rồi quay lại gặp đại diện công ty ký kết hợp đồng. Trong thời gian xoay tiền, anh Cao được một người họ hàng khuyên nên nhờ người hỏi cơ quan chức năng về công ty và chương trình đi làm việc ở Australia.
“Nhờ người thân hỏi qua Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) tôi mới ngã ngửa là công ty này có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng không nằm trong danh sách những doanh nghiệp được đưa lao động sang Australia làm việc”, anh Cao nói.
Anh Cao chỉ là ví dụ điển hình cho rất nhiều lao động thời gian qua tiếp cận các thông tin không chính xác, đứng trước nguy cơ bị lừa, thậm chí nhiều người bị lừa hàng trăm triệu đồng “đóng cọc” mà không đòi lại được.
Thời gian qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước liên tục phát đi cảnh báo về tình trạng lừa đảo nhằm vào người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài.
Cục cũng nhận được nhiều kiến nghị, phản ánh của người lao động, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) về các đối tượng mạo danh là cán bộ, nhân viên doanh nghiệp dịch vụ để lừa đảo, thu tiền của người lao động.
Cơ quan quản lý khuyến cáo người lao động
Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp dịch vụ hoặc cơ quan lao động nơi cư trú để được tư vấn, hỗ trợ và làm thủ tục.
Người lao động chỉ trực tiếp nộp tiền dịch vụ tại doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (không nộp tại chi nhánh của doanh nghiệp); yêu cầu doanh nghiệp dịch vụ cấp phiếu thu tiền hoặc hóa đơn có các nội dung: Tên đầy đủ của doanh nghiệp, ngày lập chứng từ, tên người nộp tiền, số tiền và nội dung nộp, tên kế toán, tên thủ quỹ và đóng dấu doanh nghiệp (ghi rõ họ tên, chức danh và ký nhận). Người lao động cần đối chiếu, kiểm tra thông tin doanh nghiệp để đảm bảo là doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép (tên, địa chỉ, mã số thuế...).
Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Huy Hồng - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước - Colab (Bộ Nội vụ) cho hay, thời gian qua Colab đã ký kết nhiều hợp đồng cung ứng lao động với các đối tác tại Nhật Bản và Cộng hòa Liên bang Đức.
Việc đàm phán và ký kết thành công các hợp đồng cung ứng với các đối tác vào đầu năm 2025 là tín hiệu rất vui về việc mở ra các cơ hội việc làm hấp dẫn với thu nhập tốt cho người lao động Việt Nam. Các chương trình của Colab thực hiện theo hình thức phi lợi nhuận, chi phí đưa đi rất thấp, một số chương trình còn được đối tác tiếp nhận, chủ sử dụng lao động hỗ trợ chi phí đào tạo, ăn ở... nên đặc biệt phù hợp với người lao động khu vực miền núi, huyện nghèo, xã bãi ngang ven biển và đối tượng chính sách.
“Các chương trình của Colab được thông báo công khai trên website của Trung tâm và các phương tiện thông tin đại chúng. Colab chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tiếp từ người lao động không tiếp nhận thông qua các tổ chức/cá nhân trung gian (trừ Chương trình EPS được tiếp nhận đăng ký dự thi và hồ sơ đăng ký dự tuyển qua địa phương) nên lao động phải tìm hiểu kỹ để tránh nộp các khoản tiền phí do doanh nghiệp “vẽ” ra trục lợi”, ông Hồng nói.
https://laodong.vn/cong-doan/can-trong-voi-cac-chieu-lua-dao-xuat-khau-lao-dong-1485028.ldo