Kiến nghị xem xét chính sách nghỉ hưu sớm cho cán bộ vùng khó khăn
Lâm Đồng - Cán bộ công tác trên 15 năm tại các vùng khó khăn sẽ được nghỉ hưu sớm hơn nhưng không được hưởng chế độ tương xứng với người ở khu vực khác.
Nhiều cán bộ vùng sâu ở Lâm Đồng sẽ chịu thiệt thòi khi xin nghỉ hưu sớm. Ảnh: Gia Khánh
Huyện khó khăn kiến nghị bất cập
Tại huyện Đam Rông phần lớn các cán bộ, công chức... đều đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trong đó, có nhiều người thời gian công tác từ 15 năm trở lên.
Thời gian qua, việc thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nhận được sự đồng thuận cao từ cán bộ của huyện.
Tuy nhiên, thực tế khi triển khai thực hiện các Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (Nghị định 178) và 67/2025/NĐ-CP (Nghị định 67) UBND huyện Đam Rông nhận thấy có một số điểm còn bất cập, chưa thỏa đáng.
Theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP (Nghị định 135), người làm việc trong các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên có thể nghỉ hưu sớm theo chủ trương tinh gọn, sắp xếp bộ máy (với độ tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội).
Thế nhưng, việc nghỉ hưu sớm không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường (áp dụng theo phụ lục II Nghị định 135) lại có nhiều điều bất cập khi thực hiện Nghị định 178 và Nghị định số 67.
Theo điều 7, Nghị định 178 (sửa đổi tại Nghị định 67), người có đủ 15 năm công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ nghỉ hưu khi đủ 57 tuổi theo chủ trương sắp xếp bộ máy, thay vì 62 tuổi như các khu vực khác.
Đơn cử, cả hai người đều cùng tuổi, cùng thời gian công tác và chức vụ tương đương đều xin nghỉ hưu trước tuổi.
Thế nhưng, người không công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng chế độ nghỉ hưu dài hơn so với người công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Một vấn đề khác cũng nảy sinh khi so sánh giữa các cán bộ công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng có thời gian công tác khác nhau.
Một người bắt đầu công tác muộn hơn từ một năm trở lên và chưa đủ 15 năm làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thì khi thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy, họ sẽ được áp dụng chế độ nghỉ hưu sớm theo quy định tại Phụ lục I, Nghị định 135.
Trong khi, người công tác từ đủ 15 năm trở lên thì khi tính tuổi nghỉ hưu lại áp dụng theo phụ lục II, Nghị định 135 dẫn đến việc những người này không được hưởng chế độ tương xứng nhau.
Với trường hợp cả 2 người cùng vào công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, một người khi công tác chưa đủ 15 năm được cấp có thẩm quyền điều động đến công tác ở vùng khác.
Trong khi người còn lại vẫn tiếp tục công tác đủ 15 trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tính toán chế độ nghỉ hưu sớm để sắp xếp bộ máy, người công tác chưa đủ 15 năm được áp dụng phụ lục I, Nghị định 135 để tính.
Trong khi người công tác đủ 15 năm lại áp dụng phụ lục II, Nghị định số 135 để tính chế độ chính sách.
Điều này cũng không tương xứng nhau trong việc áp dụng các chính sách nghỉ hưu sớm. Bởi vì, người làm việc lâu hơn tại vùng đặc biệt khó khăn lại không được hưởng quyền lợi như người làm việc trong thời gian ngắn hơn.
Còn một bất cập nữa liên quan đến những cán bộ đã công tác đủ 15 năm tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nhưng đã đủ tuổi 57 khi có nguyện vọng nghỉ hưu sớm để tinh gọn, sắp xếp bộ máy.
Trong trường hợp này, người nghỉ hưu sẽ không được hưởng chế độ chính sách theo quy định tại Nghị định 178 giống như những cán bộ công tác ở các vùng khác.
Trong khi đó, họ cũng đã có đủ thời gian công tác và hoàn thành nghĩa vụ.
Kiến nghị Bộ Nội vụ quan tâm, xem xét
Ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông - chia sẻ: "Tôi sinh năm 1968, đã có 30 năm công tác tại địa phương và còn công tác 5 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu".
Theo ông Liêng Hót Ha Hai, nếu ông hưởng ứng chủ trương tinh gọn bộ máy, tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi thì ông và nhiều đồng nghiệp sẽ không được hưởng chế độ như những người làm việc ở địa bàn khác.
Do đó, ông Liêng Hót Ha Hai bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh chính sách để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ công tác lâu năm tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Thị Tường Vân, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Đơn vị đã nhận được công văn của UBND huyện Đam Rông về việc kiến nghị về chế độ, chính sách theo Nghị định 178 và Nghị định 67".
Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, sở đã tổng hợp, kiến nghị Bộ Nội vụ quan tâm, xem xét đối với những khó khăn khi thực hiện Nghị định 178.
https://laodong.vn/xa-hoi/kien-nghi-xem-xet-chinh-sach-nghi-huu-som-cho-can-bo-vung-kho-khan-1486236.ldo
BẢO TRUNG (BÁO LAO ĐỘNG)